Mới đây, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả rà soát các dự án, công trình ven biển trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, từ tháng 06/2011 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận 77 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước có phần diện tích tại khu vực ven biển, bao gồm 56 dự án du lịch, 02 dự án khu dân cư và 19 dự án thủy sản.
CÓ 56 DỰ ÁN DU LỊCH VEN BIỂN VỚI TỔNG DIỆN TÍCH ĐẤT 1.039HA
Qua rà soát, có 56 dự án du lịch ven biển với diện tích đất sử dụng hơn 1.039 ha (phần diện tích đất giáp biển 618 ha, chiếm 59%), trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 08 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động.
Riêng trên địa bàn TP. Phan Thiết có 23 dự án, diện tích sử dụng đất hơn 324 ha (phần diện tích đất phía biển 119,77 ha, chiếm 37%); tập trung chủ yếu ở các phường Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Hài và xã Tiến Thành, trong đó, có 14 dự án đã kinh doanh hoạt động, diện tích đất sử dụng 18 ha.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đã thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo đó, việc chấp thuận đầu tư các dự án tại khu vực ven biển phải phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo 2015.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số công trình, dự án đã đầu tư xây dựng phía biển, ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan và hạn chế khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách.
Từ thực trạng trên, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo, tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Trong đó, lưu ý nội dung báo cáo cần phân tích kỹ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó nêu rõ lộ trình và hướng khắc phục.
“Về kiến nghị, đề xuất phải thực hiện nghiêm theo Luật Tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo 2015. Trước mắt, cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, dự án ven biển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại dự án, công trình ven biển, đề xuất thu hồi các công trình, dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra hoạt động xây dựng đối với các dự án, công trình ven biển, kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận của người dân với biển.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng đối với các khu vực ven biển…
PHẦN LỚN "XÍ" ĐẤT ĐỂ THĂM DÒ THỊ TRƯỜNG
Bắt đầu từ những năm 2000, Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) từng được kỳ vọng sẽ trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng thứ hai của Bình Thuận. Đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến vùng đất ven biển xây dựng resort. Đến năm 2007, dự án cảng biển tổng hợp Kê Gà được quy hoạch để phục vụ cho việc vận chuyển khoáng sản từ Tây Nguyên xuống.
Dự án cảng biển này có tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD, sau đó nâng lên 1 tỷ USD và dự kiến sẽ thi công vào năm 2009. Để có đất triển khai dự án, hàng loạt resort nghỉ dưỡng buộc phải dừng hoạt động kinh doanh để nhường đất cho dự án. Đến năm 2013 Chính phủ yêu cầu dừng triển khai vì không hiệu quả. UBND tỉnh Bình Thuận được giao phối hợp cùng các bộ ngành giải quyết hậu quả thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Hệ luỵ của việc thu hồi đất từ các dự án du lịch để quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà khiến hàng loạt resort đang đầu tư dang dở, buộc phải bỏ hoang hoá hơn chục năm qua.
Tính đến nay, toàn huyện Hàm Thuận Nam có 78 dự án, đặc biệt những dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu tại mũi Kê Gà. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chỉ xí đất để thăm dò thị trường chứ chưa triển khai đầu tư.
Hay tại huyện Bắc Bình, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, tính đến ngày 30/8/2021, trên địa bàn huyện có 32 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích 821,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng. Qua rà soát, có 8 dự án đã tác động triển khai xây dựng nhưng tiến độ rất chậm và 24 dự án chưa triển khai.
Về nguyên nhân khách quan, khu vực này trước đây vướng khai thác cát đen do đó nhà đầu tư du lịch phải tạm dừng. Ngoài khu vực khai thác thì phần lớn các dự án đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia theo Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ.