Cuộc khảo sát về tầm nhìn Công nghệ 2023 của Công ty nghiên cứu Accenture được công bố mới đây cho thấy khoảng 96% giám đốc điều hành doanh nghiệp bán lẻ cho biết họ đã được truyền cảm hứng bởi các khả năng mới do các mô hình nền tảng, gồm công nghệ hỗ trợ, các ứng dụng từ AI như ChatGPT mang lại. Các mô hình nền tảng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các nhà bán lẻ trong vòng 3 đến 5 năm tới.
KỶ NGUYÊN MỚI ĐANG ĐƯỢC MONG ĐỢI
Trên thực tế, một số thương hiệu hàng đầu đã thúc đẩy trải nghiệm kỹ thuật số được hỗ trợ bởi AI từ lâu. Tại Mỹ, Macy’s đã sử dụng trợ lý mua sắm do AI cung cấp để cho phép người mua hàng tự động tìm kiếm các câu trả lời về tính sẵn có của sản phẩm cũng như vị trí các cửa hàng trưng bày. Các thương hiệu như Starbucks cũng cho thấy khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và cung cấp thông tin chuyên sâu trong thời gian thực của AI đang hứa hẹn đưa xu hướng cá nhân hóa lên một tầm cao mới.
Zara là một trong nhiều nhà bán lẻ thời trang đã triển khai AI trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình. Công ty đã thuê Công ty Công nghệ Tyco cài đặt vi mạch vào thẻ bảo mật trên tất cả quần áo để công ty có thể biết vị trí của bất kỳ mặt hàng nào trước khi bán – từ sản xuất, vận chuyển, trưng bày, đến bán hàng – cho phép công ty có được một cái nhìn siêu chính xác về hàng tồn kho. Thương hiệu cũng sử dụng các robot được hỗ trợ bởi AI để chọn và đóng gói các mặt hàng cho các dịch vụ “Click & Collect” trên toàn thế giới, tăng tốc độ xử lý sản phẩm.
Tương tự, Công ty mỹ phẩm Sephora cũng là một ví dụ tuyệt vời về cách tiếp cận AI tổng quát. Sephora vốn có một ứng dụng nhận dạng khuôn mặt được kết hợp với AI và học máy để nhận dạng mắt, môi và má để thử nghiệm tính năng cho từng sản phẩm. Hiện Sephora đang mở rộng việc sử dụng AI không chỉ cho phép trang điểm ảo chính xác hơn mà còn cung cấp chẩn đoán da cho khách hàng. Tại đây, AI được sử dụng để xem xét làn da trong hình ảnh mà người tiêu dùng gửi để đánh giá loại da đó và đề xuất các loại sản phẩm chăm sóc, trang điểm phù hợp.
Khi bối cảnh kỹ thuật số biến đổi, tương tác của người tiêu dùng với các doanh nghiệp không ngừng phát triển. Một sự thích ứng đáng chú ý là sự gia tăng của các chatbot do AI đứng sau trong lĩnh vực bán lẻ, theo Tech Wire Asia. Một dự báo của Juniper Research cho thấy một bước nhảy vọt đáng kể trong chi tiêu bán lẻ toàn cầu cho chatbot, dự kiến sẽ đạt 12 tỷ USD năm 2023 và tăng vọt lên 72 tỷ USD vào năm 2028.
Với Zalando, thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở châu Âu, trợ lý ảo AI được thiết kế để giúp người mua hàng không chỉ điều hướng trang web mà còn đưa ra lời khuyên chi tiết hơn về các lựa chọn bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức, bổ sung thêm một cấp độ tương tác hoàn toàn mới giữa khách hàng và nhà bán lẻ, trở thành mối quan hệ trò chuyện thay vì chỉ giao dịch. Tương tự, chỉ riêng năm ngoái, 125 triệu khách hàng đã đóng góp gần 1,5 tỷ đánh giá và xếp hạng cho các cửa hàng Amazon - tức là 45 đánh giá mỗi giây. Đây là nguồn thông tin mà Amazon đã và đang sử dụng để tổng hợp các bài đánh giá về quần áo, kích cỡ, giá cả…
Có thể nói, mọi vai trò trong hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ đều có khả năng được đổi mới. Chúng ta cũng có thể mong đợi một số lượng lớn các nhiệm vụ mới được thực hiện với AI; đồng thời, các doanh nghiệp phải bảo đảm việc sử dụng các hệ thống AI một cách có đạo đức, có trách nhiệm. Đó là lý do tại sao các tổ chức đầu tư vào đào tạo con người để làm việc cùng với AI sẽ có lợi thế đáng kể...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam