Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 10999/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang về việc đầu tư mở rộng, nâng cấp các bến cảng và các tuyến đường kết nối với cảng như Quốc lộ 91, Tỉnh lộ 941; đồng thời, sớm công nhận Tỉnh lộ 952, Tỉnh lộ 954 trở thành Quốc lộ 80B.
ÙN TẮC GIAO THÔNG KÌM HÃM SỰ PHÁT TRIỂN
An Giang có 7 cảng thủy, phân bố dọc theo tuyến sông Hậu, trong đó có 2 cảng vận chuyển hàng hóa, 1 cảng hành khách và 4 cảng chuyên dùng cùng hàng trăm bến thủy nội địa. Giao thông đường bộ của tỉnh chủ yếu khai thác dọc theo Quốc lộ 91, đây là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối đến các đô thị, các khu công nghiệp, bến cảng trên địa bàn. Hạn chế lớn nhất của hệ thống giao thông đường bộ tại An Giang là chưa có tuyến cao tốc qua tỉnh để kết nối với TP. Hồ Chí Minh.
Theo phản ánh của cử tri tỉnh, hiện nay, tại An Giang, đường Quốc lộ 91 và Tỉnh lộ 941 thường xuyên trong tình trạng ách tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có vị trí cách xa bến cảng để bốc dỡ và vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, sản phẩm, trong khi đó, các tuyến đường trên thường xuyên ách tắc làm tăng thời gian vận chuyển, chi phí nhiên liệu từ khu công nghiệp đến cảng và ngược lại.
Vì vậy, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp bến cảng và các tuyến đường trên để giảm thiểu ách tắc giao thông, thuận lợi cho vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, góp phần thu hút nhà đầu tư và khách tham quan từ các địa phương khác đến An Giang.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 91 có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 1 tại thành phố Cần Thơ, điểm cuối tại Cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chiều dài khoảng 135 km, quy mô quy hoạch là đường cấp III, 2-6 làn xe.
Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang có chiều dài khoảng 93,2 km, đã được đầu tư cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, 2-4 làn xe.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng giãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước…
Do đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã cân đối 1.671 tỷ đồng, chủ yếu cho hai dự án trọng điểm.
Do đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã cân đối 1.671 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và phân cấp cho UBND tỉnh An Giang thực hiện dự án thành phần 1.
"Khi hoàn thành các dự án nêu trên sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm tải cho Quốc lộ 91, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên tuyến", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải rất mong cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chia sẻ việc chưa thể triển khai ngay được tuyến đường này.
Đối với Tỉnh lộ 941, Bộ Giao thông vận tải thống nhất về sự cần thiết đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường, tuy nhiên, Tỉnh lộ 941 thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh An Giang nên Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh chủ động cân đối ngân sách địa phương để đầu tư. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Đối với các bến cảng, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc đầu tư xây dựng mới, đầu tư nâng cấp mở rộng các bến cảng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực vận tải đường biển, đường thủy nội địa, giảm tải cho hệ thống đường bộ, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng ngân sách nhà nước tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng (luồng công cộng, đê, kè, hệ thống báo hiệu), nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư công trình bến cảng, thiết bị bốc dỡ.
Căn cứ định hướng, Bộ Giao thông vận tải đã cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư một số dự án hàng hải, đường thủy nội địa mang tính động lực, cấp bách tại một số khu vực.
Do đó, đối với đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các bến cảng tại địa phương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
DÙNG NGUỒN LỰC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ NÂNG CẤP TỈNH LỘ 952, 954 LÊN QUỐC LỘ
Cũng trong đợt kiến nghị này, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và sớm công nhận Tỉnh lộ 952, Tỉnh lộ 954 trở thành Quốc lộ 80B; đồng thời đầu tư nâng cấp Tỉnh lộ 952 trở thành đường cấp III đồng bằng.
"Việc công nhận và đầu tư nâng cấp tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực, thúc đẩy kết nối khu vực”, cử tri tỉnh An Giang khẳng định.
Phản hồi cử tri tỉnh, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT.942, ĐT.954, ĐT.953 qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp và An Giang được quy hoạch nâng thành Quốc lộ 80B với điểm đầu tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại cửa khẩu Vĩnh Xương, tỉnh An Giang, tổng chiều dài khoảng 120 km; quy mô cấp III, 2 - 4 làn xe.
Đồng thời, tại Khoản 4, mục III, Điều 1 Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 quy định “Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe”.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh An Giang căn cứ quy định nêu trên để huy động nguồn lực của địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh này, đảm bảo các tiêu chí nâng lên thành quốc lộ.
Sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chí nâng lên thành quốc lộ, đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và gửi về Bộ Giao thông vận tải phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để quyết định điều chuyển tài sản theo quy định.
"Sau khi tiếp nhận tài sản, Bộ Giao thông vận tải sẽ công bố Quốc lộ 80B theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xem xét đầu tư nâng cấp, mở rộng vào thời điểm thích hợp", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.