Hiện nay, việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ dừng lại là công việc truyền thống của bà con dân tộc Khmer, mà còn xây dựng sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang. Thốt nốt hiện được trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn với trên 35.000 cây.
Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây thốt nốt được tỉnh An Giang đánh giá có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo định hướng phát triển của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt tại 2 huyện biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên sẽ được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 200 cây trên 40 năm tuổi, chia đều cho hai huyện. Tỉnh dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận.
Cùng với đó, tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1 - 2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 - 1 lần.
Định hướng đến năm 2030, số lượng cây thốt nốt tại An Giang được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 500 cây. Trong đó, huyện Tri Tôn 200 cây và Tịnh Biên 300 cây.
Theo đó, tỉnh sẽ hình thành mới tối thiểu 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận; tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 3% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, An Giang cũng đặt mục tiêu sản phẩm từ các mô hình sản xuất hữu cơ được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đạt 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 để phục vụ cho sơ chế, chế biến các sản phẩm đường thốt nốt hữu cơ, các sản phẩm liên quan đến đường thốt nốt như yến hũ chưng đường thốt nốt, nghệ, đông trùng hạ thảo,...
Tỉnh An Giang kỳ vọng việc hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ sẽ giúp người dân Tri Tôn, Tịnh Biên có lợi nhuận thu được từ thốt nốt hữu cơ cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với tập quán thông thường.
Hiện Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với huyện Tri Tôn và Tịnh Biên khảo sát hiện trạng vùng dự kiến xây dựng, hình thành vùng thốt nốt hữu cơ, lập sơ đồ vùng trồng, đánh mã số cây thốt nốt chuyển đổi hữu cơ; khảo sát và làm việc với các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ đường thốt nốt.
Đồng thời, tỉnh đang tiến hành phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các vùng trồng thốt nốt, phục vụ chứng nhận thốt nốt hữu cơ.
Dự kiến, trong quá trình sản xuất thốt nốt hữu cơ tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở trồng và sơ chế thốt nốt... cách sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Ngoài ra, các vùng trồng sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu hình thành 11 vùng trồng thốt nốt đạt chứng nhận hữu cơ.