December 28, 2022 | 11:00 GMT+7

Áp dụng công nghệ chế biến sâu: Tăng lợi nhuận cho ngành cá tra

Chu Khôi -

Việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến cá tra sẽ góp phần cải thiện quy trình nuôi tạo được hàng hóa lớn, có giá trị cao, đồng thời, giải quyết vấn đề kiểm soát môi trường….

Cá tra vẫn chủ yếu xuất khẩu với sản phẩm đông lạnh
Cá tra vẫn chủ yếu xuất khẩu với sản phẩm đông lạnh

Mặc dù xuất khẩu cá tra đem về 2,4 tỷ USD trong năm 2022, nhưng 97% tổng khối lượng cá tra xuất khẩu là sản phẩm đông lạnh với giá xuất khẩu bình quân 2,4 - 2,5 USD/kg. Trong khi đó, đã có 11 sản phẩm cá tra (hiện chiếm 3% trong tổng khối lượng cá tra xuất khẩu) nhờ áp dụng công nghệ cao trong chế biến đã xuất khẩu với giá từ 6-14,5 USD/kg.

Áp dụng công nghệ chế biến sâu: Tăng lợi nhuận cho ngành cá tra     - Ảnh 1

THIẾU SẢN PHẨM CÓ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CAO

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết hiện nay cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, điểm yếu trong chế biến cá tra là cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Hiện sản phẩm đông lạnh chiếm đến trên 97% tổng khối lượng cá tra xuất khẩu.

Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Các phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê đông lạnh như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ... tuy đã tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như dầu cá, bột cá, collagen... Song, sản phẩm còn thô, những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm có giá trị gia tăng cao chưa nhiều.

 

"Đặc biệt có 3 sản phẩm có giá trên 14.000 USD/tấn, bao gồm: bong bóng cá tra khô có giá xuất khẩu 57.740 USD/tấn; phi lê cá tra organic đông lạnh giá xuất khẩu 14.500 USD/tấn) và cá tra phi lê cuộn cá hồi đông lạnh giá xuất khẩu 8.180 USD/tấn".

PGS.TS. Nguyễn Phú Sơn,  Đại học Cần Thơ.

PGS.TS. Nguyễn Phú Sơn, giảng viên cao cấp hạng 1, Trường Kinh tế, trường Đại học Cần Thơ, cho biết trong số các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, có 11 loại sản phẩm có giá xuất khẩu cao trên 6.000 USD/tấn.

Những sản phẩm có giá xuất khẩu từ 7.000 USD – 8.000 USD/tấn là Tempura cá tra đông lạnh xuất khẩu đi Na Uy 7.970 USD/tấn; cá tra tẩm bột xù chiên xuất khẩu đi Nhật Bản đạt giá 7.738 USD/tấn; cá tra cắt lát tẩm bột chiên chín đông lạnh xuất khẩu sang Thái Lan đạt giá 7.200 USD/tấn.

Trên cơ sở phân tích giá trị các sản phẩm cá tra, PGS.TS Nguyễn Phú Sơn khuyến cáo các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để hướng đến việc cắt giảm chi phí sản xuất, chế biến và cả trong tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, phải tăng cường mối liên kết ngang, dọc giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.

“Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tăng cường nghiên cứu phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Các hộ, tổ chức kinh tế hợp tác nuôi cá tra cần xây dựng các mã số vùng nuôi, ứng dụng công nghệ số, cũng như thay đổi thói quen ghi chép nhật ký nuôi trồng để nâng cao lòng tin của người mua”, PGS.TS Nguyễn Phú Sơn khuyến nghị.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Áp dụng công nghệ chế biến sâu: Tăng lợi nhuận cho ngành cá tra     - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate