Hai trụ lớn là VIC và VHM đã thoát giá sàn trong phiên sáng nay những vẫn giảm mạnh tạo sức ép lên các chỉ số. Tuy vậy độ rộng của chỉ số thể hiện sự phân hóa tích cực hơn đáng kể, với 185 mã tăng và 232 mã giảm. VN-Index kết phiên giảm 0,56% tương đương -5,9 điểm nhờ sức kéo của GAS, HPG trong nhóm trụ cùng một số mã ngân hàng tầm trung.
Mối quan tâm chính trong giao dịch vẫn là các cổ phiếu đang bị xả lớn hôm qua. VIC xuất hiện nhịp giảm sâu nhất 6,01% ngay đầu phiên. VHM cũng giảm tối đa 6,58%. Áp lực này khiến VN-Index giảm 0,96% khi chạm đáy. Tuy vậy cả VIC lẫn VHM đã không còn giao dịch giá sàn.
Lực cầu bắt đáy kết hợp với giảm bán ở VIC giúp giá phục hồi nhẹ. Chốt phiên sáng VIC còn giảm 4,21%. Tuy nhiên VHM đã xuất hiện lượng bán nhiều hơn về cuối phiên và trả lại hết mức phục hồi trong phiên, đang giảm 6,58% và chốt mức thấp nhất. Hai mã này đã lấy đi khoảng 4,7 điểm của VN-Index.
Nhóm VN30 đã phân hóa tốt, chỉ số VN30 đang giảm nhẹ 0,3% với 16 mã tăng/11 mã giảm. Nhóm giảm sâu nhất ngoài VIC và VHM còn có VRE giảm 6,71%, MSN giảm 5,37%, SAB giảm 4,83%, BCM giảm 2,68%, CTG giảm 1,23%. Thanh khoản vào nhóm VN30 đã giảm tới 58% so với sáng hôm qua, đạt 2.166 tỷ đồng, nhưng tỷ trọng giao dịch của rổ này vẫn chiếm 46,1% tổng khớp sàn HoSE, là mức khá cao.
Tình trạng giảm thanh khoản là diễn biến đáng chú ý nhất sáng nay, nhưng ngược với hôm qua, do thị trường đã phân hóa giằng co thay vì bán tháo, nên cung cầu khó gặp nhau hơn. Bên mua vẫn đang chờ đợi một diễn biến sụt giảm sốc nữa để giải ngân thuận lợi hơn, nên khi thị trường không biến động mạnh, sự lưỡng lự đã xuất hiện.
Thực tế độ rộng của VN-Index vẫn nghiêng về phía giảm nhưng sự cân bằng trong nhóm VN30 có khả năng ổn định tốt hơn nhiều. Do các trụ lớn nhất ngoài VHM, VIC giảm, VCB cũng mất 0,24%, BID giảm 0,25%, VNM tham chiếu, nên khả năng cân bằng chỉ số chưa đạt. Mức giảm này là nhẹ và có cơ hội phục hồi nếu dòng tiền mua nâng giá lên. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của chỉ số, GAS tăng 0,93%, VPB tăng 0,5%, HPG tăng 1,54%, FPT tăng 0,12%.
Nhóm cổ phiếu blue-chips tầm trung đang tăng khá tốt, nhất là các mã ngân hàng. Hỗ trợ chỉ số sáng nay còn có LPB tăng 6,29%, ACB tăng 1,9%, MBB tăng 1,16%, VIB tăng 2,31%, TCB tăng 0,67%, STB tăng 1,25%, MSB tăng 2,46%. Như vậy trong 10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index có tới 8 mã ngân hàng (thêm VPB tăng 0,5%). Thực tế trong toàn bộ nhóm ngân hàng, chỉ có 7/27 mã là đỏ, tiếc rằng bao gồm cả BID, VCB, CTG. Nhóm còn lại như KLB, SGB, BVB không có ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù độ rộng của VN-Index vẫn nghiêng nhiều về phía giảm nhưng hiện cũng chỉ có 100 cổ phiếu giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 30% tổng khớp sàn HoSE. Trong nhóm giảm mạnh nhất này cũng chỉ 17 mã đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất nhóm này và đều trên 100 tỷ đồng là VHM giảm 6,58% khớp 312,5 tỷ; VIC giảm 4,21% khớp 173 tỷ; MSN giảm 5,37% khớp 170,6 tỷ; VIX giảm 1,47% khớp 144,5 tỷ; VRE giảm 6,71% khớp 136,4 tỷ. Như vậy áp lực bán tháo chỉ còn tập trung vào một số cổ phiếu, bất chấp biên động giá tiêu cực vẫn còn khá nhiều.
Thanh khoản giảm và còn nhiều mã giảm sâu trên 1% phản ánh một thực tế là thị trường đã quay lại trạng thái chờ đợi từ bên mua. Thị trường hôm qua đã đột ngột xấu đi, tâm lý nghi ngờ càng lên cao và người cầm tiền không có lý do gì để vội vã. Hiện HoSE chỉ có 4 mã giảm sàn, tức là dư mua giá thấp vẫn còn đủ tiềm năng để tạo thanh khoản lớn hơn nếu như bên bán hạ giá sâu hơn.
Phía tăng hiện cũng có 73/185 mã tăng trên 1%, giao dịch lớn xuất hiện tại SSI tăng 1,22% với 240,7 tỷ đồng; STB tăng 1,25% với 235,4 tỷ; DIG tăng 2,53% với 149,4 tỷ; VCI tăng 2,35% với 126,4 tỷ; DXG tăng 2,45% với 114,4 tỷ, HPG tăng 1,54% với 111,3 tỷ.
Khối ngoại sáng nay xả ròng lớn MSN -70,4 tỷ và VRE -54,8 tỷ. Cả VIC lẫn VHM vẫn bị bán ròng, nhưng quy mô nhỏ, còn -23,3 tỷ và -37,7 tỷ. Tính chung khối này bán ròng 227,8 tỷ đồng.