Xung quanh chủ đề này, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao.
Thưa ông, sau hai năm đóng cửa do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2022 được xem là mốc chúng ta mở cửa nền kinh tế. Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng?
Hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại đầu tư hiện nay hết sức có ý nghĩa đối với các địa phương và doanh nghiệp cũng như đối với nền kinh tế của Việt Nam trên cả ba phương diện.
Thứ nhất, kể từ ngày 15/3/2022, sau 2 năm chúng ta mới bắt đầu mở cửa trở lại. Đây là giai đoạn chúng ta cần nỗ lực nối lại và thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế nhằm bù đắp lại cho hơn 2 năm nền kinh tế bị tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19.
"Chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm".
Thứ hai, đại dịch Covid-19 vừa qua đã và đang làm thay đổi chuỗi cung ứng trên bình diện khu vực và toàn cầu, xuất hiện những dòng đầu tư mới dịch chuyển đến các địa điểm mới có năng lực và độ an toàn cao. Đây cũng là lúc chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư, để nắm bắt những cơ hội mới này.
Thứ ba, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho đất nước và các địa phương nói riêng, cũng là dịp chúng ta tái cấu trúc lại các mối quan hệ kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp với định hướng mới của Chính phủ là tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.
Những nỗ lực trên đang mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam như một địa điểm thu hút đầu tư, một địa điểm chế tạo mới, đáp ứng các tiêu chuẩn và xu hướng mới của khu vực và thế giới. Đây là cơ hội mà chúng ta cần phải tận dụng cùng với những lợi thế sẵn có là nằm trong trung tâm kinh tế đang có quá trình phục hồi rất nhanh, cũng như đã có khả năng kết nối với mạng lưới “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Thưa ông, Bộ Ngoại giao đã có những biện pháp gì về “ngoại giao kinh tế phục vụ cho phát triển” để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư giúp các doanh nghiệp, địa phương kết nối với các đối tác?
Trong thời gian vừa qua, các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư của Bộ Ngoại giao đã, đang tiếp tục triển khai các chủ trương xây dựng một nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ba biện pháp mạnh mẽ sau đây trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục cùng với các bộ, ngành, các địa phương thiết kế và triển khai các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp, giữa địa phương với các đối tác nước ngoài và đối tác kinh tế thương mại đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Hai là, không chỉ là tổ chức các sự kiện kết nối thuần túy, mà để bảo đảm các mối quan hệ hợp tác chất lượng, bền vững, có lợi cho sự phát triển lâu dài của địa phương, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế làm sao trúng và đúng cho từng địa phương, từng doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, cũng như phù hợp với quan tâm, lợi ích của các đối tác hợp tác; bảo đảm mối quan hệ hợp tác phải cùng có lợi, hiệu quả và thực chất.
Ba là, phải bám sát định hướng mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng với các đối tác tái định hướng lại các lĩnh vực hợp tác giữa các nước với các đối tác, các địa phương, các doanh nghiệp theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, theo phương châm không chỉ là thúc đẩy phục hồi, mà tới đây sẽ là một quá trình phục hồi xanh, phục hồi bền vững, toàn diện, bao trùm, đem lại các lợi ích lan tỏa cho cả xã hội, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và giữa các địa phương.
Tăng trưởng xanh là một mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, nhìn bức tranh toàn cảnh của các địa phương, các doanh nghiệp, ông có những nhìn nhận như thế nào về khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững này, thưa ông?
Phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa hay tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo. Từ đó, nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được ban hành và ngày 1/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.
Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, cũng như thuận lợi cho các doanh nghiệp, các địa phương chúng ta.
Khó khăn thứ nhất, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Dù đã kiểm soát khá tốt đại dịch, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, tác động của nó đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống của người dân đang cần rất nhiều thời gian để khắc phục.
Khó khăn thứ hai, những biến động hết sức to lớn và bất ổn trong nền kinh tế, kể cả tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Tất cả đều có tác động nhất định đến bức tranh kinh tế vĩ mô của thế giới và của Việt Nam, làm cho quá trình phục hồi kinh tế mong manh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách và các địa phương không chỉ tính đến phát triển bền vững lâu dài, mà phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt đang đặt ra đối với doanh nghiệp, người dân và các địa phương.
Khó khăn thứ ba, quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh chính là tăng trưởng bền vững. Dù là một xu hướng đúng của Đảng, Nhà nước ta, nhưng việc chuyển đổi này không hề dễ do năng lực, trình độ của chúng ta so với thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu nhìn từ góc độ địa phương, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Đó là những khó khăn đang đặt ra đối với nền kinh tế, với các doanh nghiệp và với các địa phương.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có ba lợi thế nhất định.
Một là, quyết tâm của Đảng, Nhà nước của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm.
Hai là, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.
Ba là, tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
Nhiều nước không chấp nhận nhập khẩu những hàng hóa không được sản xuất theo quy trình thân thiện môi trường. Đồng thời, thực tế này cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng xanh trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực, hàng hóa và dịch vụ mới thân thiện với môi trường.
Điều này mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương, doanh nghiệp cùng với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác theo hướng bao trùm, bền vững.