Tại phiên họp tháng 1/2025 của UBND tỉnh Bắc Ninh vừa qua đã xem xét và cho ý kiến vào dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân, Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê (Tp. Bắc Ninh), xã Văn Môn (huyện Yên Phong), xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) đến năm 2030.
BA LÀNG NGHỀ GÂY Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG PHẢI XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ
Các nội dung cho ý kiến tập trung vào việc hỗ trợ chi phí di dời và lãi suất vay vốn ngân hàng cho các cơ sở sản xuất giấy tại khu dân cư và các cụm công nghiệp tại phường Phong Khê (Tp. Bắc Ninh), và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du); các cơ sở tái chế kim loại tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong) tự nguyện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Qua đó, bảo đảm các vấn đề môi trường trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tuân thủ quy định đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trong những năm tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định đây là 3 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Vì vậy việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ thể hiện sự quan tâm, đồng hành và động viên kịp thời của tỉnh đối với các các cơ sở trong làng nghề khi thực hiện việc chấm dứt hoạt động để bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu cơ quan dự thảo Nghị quyết tiếp thu, chỉnh sửa về tên gọi, phạm vi, đối tượng áp dụng,…; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng đối với các cơ sở chấm dứt hoạt động trong khu dân cư tại Văn Môn; tối đa không quá 300 triệu đồng đối với các cơ sở chấm dứt hoạt động trong Cụm công nghiệp Mẫn Xá (Văn Môn) và các cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê;
Các cơ sở sản xuất đang tồn tại vi phạm về nguồn gốc sử dụng đất hoặc lấn chiếm đất không được hỗ trợ; các cơ sở sản xuất bị xử phạt hành chính phải thực hiện đầy đủ mới được nhận hỗ trợ.
Đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, bảo đảm khi ban hành có tính pháp lý chặt chẽ, khả thi, đúng quy định của Luật Ngân sách và tạo sự đồng thuận của người dân ở các làng nghề.
Theo thống kê bước đầu, tổng số cơ sở trong khu dân cư tại xã Văn Môn 207 cơ sở; trong Cụm công nghiệp Mẫn Xá (xã Văn Môn) 96 cơ sở; các cơ sở trong khu dân cư, Cụm công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê 2 khoảng 300 cơ sở; cơ sở tại làng nghề Phú Lâm 35 cơ sở.
XÂY DỰNG LÀNG NGHỀ GẮN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, DI DỜI CÁC CƠ SỞ Ô NHIỄM RA KHỎI KHU DÂN CƯ
Trước đó, ngày 3/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn ký văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương kiểm soát công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề, Cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo đó yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 116-KL/TU ngày 14/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019- 2025 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực môi trường theo đúng quy định. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã/phường/thị trấn lập và trình UBND cấp huyện phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường làng nghề, làm căn cứ để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.
Đồng thời rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất và công tác bảo vệ môi trường của các làng nghề, Cụm công nghiệp trên địa bàn; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề, Cụm công nghiệp; chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề, Cụm công nghiệp; trong đó các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề, Cụm công nghiệp phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, cơ sở hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.
Rà soát quy hoạch sử dụng đất, bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các làng nghề, Cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, Cụm công nghiệp, đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, Cụm công nghiệp không đủ điều kiện sản xuất mà di chuyển máy móc, thiết bị sản xuất sang các làng nghề, Cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh để sản xuất và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật, khi đề xảy ra ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Xây dựng, Công thương; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh 2 tháng một lần vào ngày 15...