Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh điều này tại phiên toàn thể của Hội thảo- Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 24/11, với chủ đề “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”.
Theo Thứ trưởng, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc là "thực sao- ảo vậy". Nghĩa là cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.
Thống kê trung bình năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên internet. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và người dân bị lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thời gian qua là vấn đề nhức nhối.
Theo thống kê, trong 2 năm 2019 và 2020, việc mua bán trái phép trên thị trường chợ đen lên tới gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng cho biết trong năm 2022, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đã từng gặp tình trạng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ bị tấn công mạng. Đây là kết quả từ khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin do VNISA thực hiện.
Khải sát có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại. Có tới 87% tổ chức, doanh nghiệp lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình. Đặc biệt, 68% tổ chức, doanh nghiệp cho biết chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm.
Theo VNISA, để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan, doanh nghiệp và đòi hỏi cộng đồng an toàn thông tin phải cùng chung tay đề ra các giải pháp thực hiện.
Cập nhật thông tin về tình hình an toàn thông tin mạng năm 2022, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa thông tin, theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ các hệ thống thông tin đã phê duyệt hồ sơ bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ mới đạt 54,8%.
Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin là điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan, doanh nghiệp và đòi hỏi cộng đồng an toàn thông tin phải chung tay đề ra các giải pháp thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Vì vậy, cùng với sự phối hợp của các cơ quan, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.
Trong 10 tháng đầu năm, đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo. Bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng. Đồng thời, Bộ sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi Hiệp hội, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong tiến trình này. Qua sự kiện này, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm nhận thức và hành trang để từ đó tự tin thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn.
Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm giảm sự cố mất an toàn thông tin cho người dân, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin đã thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Có 8 doanh nghiệp công nghệ Việt hàng đầu tham gia sáng lập Liên minh gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG, Tiktok Việt Nam và Cốc Cốc.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thông tin tổ chức hội thảo bàn về thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Với chủ đề: “Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn”, sự kiện thu hút gần 30 diễn giả từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Cùng với các nhà tài trợ, Công ty CP Công nghệ Nessar Việt Nam trong top các nhà tài trợ vàng của sự kiện. Trong quá trình chuyển đổi số, Nessar đánh giá yếu tố quyết định hàng đầu là việc xây dựng môi trường mạng an toàn, bảo mật cho tổ chức, doanh nghiệp và bảo vệ dữ liệu. Đây là yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin cho quá trình chuyển đổi số. Để giải quyết bài toán này, Nessar đã giới thiệu hệ sinh thái giải pháp sản phẩm công nghệ bảo vệ an toàn thông tin toàn diện cho doanh nghiệp.