Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành chức năng, nghe báo cáo, cho ý kiến về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiêu chí xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư. Một số vấn đề cần làm rõ khi xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia là: Căn cứ chính trị, pháp lý; nội hàm, nhận thức, cách tiếp cận đối với những ngành kinh tế hiện có và các ngành kinh tế mới nổi theo hướng xanh.
CÔNG CỤ THỐNG NHẤT ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH XANH HÓA NỀN KINH TẾ
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia là khung cơ bản, cơ sở để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật dưới hình thức các danh mục bổ trợ, chi tiết đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể. Danh mục được xây dựng phù hợp với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, tham chiếu và học hỏi từ danh mục phân loại của các quốc gia trên thế giới.
Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước sử dụng hệ thống phân loại xanh xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường (ví dụ như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).
Hệ thống phân loại xanh hỗ trợ, đánh giá quá trình xanh hóa nền kinh tế thông qua thống kê theo dõi và báo cáo chi tiêu công và/hoặc chi tiêu tư nhân, đầu tư cho tăng trưởng xanh trên cơ sở các tiêu chí cụ thể, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đây là nền tảng cơ bản để xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi xanh và điều tiết, thúc đẩy dòng vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các hoạt động đóng góp cho các mục tiêu môi trường, tăng trưởng xanh.
Dự thảo hệ thống ngành kinh tế xanh của Việt Nam được xây dựng dựa trên tham khảo và học hỏi từ các danh mục tiêu chuẩn trên thế giới, đồng thời điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với mục đích xây dựng và quốc gia hóa.
Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia không trùng lặp, hay xung đột với Bộ tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (Danh mục phân loại xanh) hiện đang được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì xây dựng.
Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia áp dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống dưới, trên cơ sở đánh giá hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, để từ đó chọn lọc các nhóm mục tiêu và đưa ra các định nghĩa, tiêu chí xác định mức độ xanh.
Do đó, hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia hướng đến xây dựng một công cụ thống nhất để đánh giá quá trình xanh hóa nền kinh tế một cách toàn diện trên cơ sở thống kê các hoạt động, dự án đóng góp cho nền kinh tế xanh.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia đóng vai trò rất quan trọng, cần được xem xét sớm ban hành làm cơ sở cho các bộ, ngành triển khai xây dựng hệ thống tiêu chí kỹ thuật phân loại xanh theo ngành, lĩnh vực nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu của các đại diện, lãnh đạo: Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp khẳng định, cách tiếp cận xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia phải bảo đảm tính kế thừa, tích hợp, không xung đột với các danh mục phân loại xanh hiện hành;…
Chia sẻ với VnEconomy, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT cho biết các quốc gia có thể xây dựng Danh mục phân loại xanh dựa trên các nguyên tắc và cách thức khác nhau, nhưng nhìn chung những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính: Tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng”; Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật; Tiếp cận dựa trên các nguyên tắc tương tự.
Tại Việt Nam, ông Thọ chỉ ra rằng trong những năm qua, khái niệm “Danh mục xanh”, “Dự án xanh” đã được sử dụng khá rộng rãi ở nước ta trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng… nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của các ngành, lĩnh vực.
Tiêu chí đánh giá về môi trường cho dự án xanh, dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường - tài liệu tham khảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành năm 2019 trong khuôn khổ hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Tài liệu đưa ra bảng tiêu chí định tính để xem xét, đánh giá dự án xanh và đề xuất Danh mục dự án xanh với 14 lĩnh vực, 65 nhóm loại hình dự án.
TÍCH HỢP TIÊU CHÍ XANH VÀO CÁC NGÀNH KINH TẾ HIỆN CÓ VÀ MỚI NỔI
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tích hợp các tiêu chí xanh vào hệ thống kinh tế quốc dân nhằm triển khai các chủ trương lớn, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước cũng như các chiến lược, kế hoạch, pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hệ thống phân loại xanh không chỉ hướng đến việc đưa các tiêu chí xanh vào hệ thống kinh tế hiện tại mà còn tích hợp một số ngành kinh tế mới như: Đầu tư và phục hồi môi trường tự nhiên, sử dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ xử lý môi trường, năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở để các bộ, ngành xây dựng các bộ tiêu chí cụ thể phân hạng mức độ xanh cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế; đề xuất danh mục phân nhóm các ngành kinh tế xanh theo mức độ khác nhau.
Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xây dựng hệ thống thống kê quốc gia về kinh tế xanh, làm cơ sở theo dõi, đánh giá; trong đó chú trọng một số chỉ tiêu quan trọng như mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GDP, chỉ số phát thải trên GDP, chi tiêu Nhà nước và xã hội cho kinh tế xanh, biến đổi khí hậu, môi trường,…