Bộ Y tế Công cộng CHDC Congo cho biết đến nay đã có 394 ca mắc bệnh, triệu chứng bệnh giống cúm, bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, ho, khó thở… Một số nguồn tin cho rằng ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 và các nguồn tin khác thì nhận định bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 143 người tại tỉnh Kwango trong tháng 11.
Lứa tuổi của các bệnh nhân cũng được ghi nhận hơi khác nhau ở các nguồn tin. Trang New York Post cho rằng phần lớn bệnh nhân thiệt mạng là ở lứa tuổi 16 đến 18, còn theo trang AP thì một nửa số người nhiễm bệnh là trẻ dưới 5 tuổi.
Một cách tình cờ, vụ bùng phát bệnh lạ này xảy ra ngay trước thời điểm tròn 5 năm kể từ khi ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) (tháng 12/2019). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật châu Phi, cho biết dựa trên tình trạng của các bệnh nhân thì thấy người bệnh có thể qua đời khá nhanh kể từ khi có triệu chứng, các thông tin ban đầu khiến các bác sĩ nghĩ đây là một bệnh đường hô hấp. Nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ xoay quanh căn bệnh này, chẳng hạn nó có lây nhiễm không và bằng cách nào.
Văn phòng WHO phụ trách khu vực châu Phi xác nhận các chuyên gia WHO đang trên đường tới khu vực Panzi, tỉnh Kwango. Tại đây, các chuyên gia sẽ cung cấp các loại thuốc thiết yếu và bộ dụng cụ chẩn đoán nhằm phân tích nguyên nhân gây bệnh. WHO nhấn mạnh mọi nỗ lực đang được tiến hành để xác định nguyên nhân gây bệnh, hiểu rõ phương thức lây truyền, đảm bảo phản ứng phù hợp và nhanh nhất có thể.
Hiện Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã kêu gọi tất cả các văn phòng của mình phải cảnh giác về “bệnh lạ Congo”, theo Bangkok Post ngày 6/12. Thư ký thường trực Bộ Y tế Công cộng Thái Lan Opas Kankawinpong cho biết tất cả các cơ quan y tế đã được yêu cầu theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin về căn bệnh này, mặc dù Thái Lan được xem là quốc gia có nguy cơ thấp. Ông nói thêm nỗ lực ngăn chặn đang tập trung ở các trạm kiểm soát y tế tại cửa khẩu và sân bay.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), Sân bay Quốc tế Hồng Kông đã thắt chặt biện pháp sàng lọc đối với mọi chuyến bay từ các trung tâm quá cảnh ở Châu Phi kể từ ngày 5/12. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến khu vực ảnh hưởng dịch bệnh.
Căn bệnh chưa được xác định này bùng phát làm dấy lên lo ngại về sự xuất hiện của một mầm bệnh mới có khả năng lây lan khắp thế giới. Thực tế, ngay sau đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước trên thế giới chuẩn bị ứng phó với một đại dịch mới tiềm ẩn, gọi là "bệnh X".
Bệnh X không phải một bệnh cụ thể. Các nhà khoa học dùng chữ cái X để chỉ loại virus, vi khuẩn hoặc nấm tiềm ẩn có thể gây ra đại dịch trong tương lai. Việc dán nhãn mối đe dọa tiềm ẩn là X nhằm ưu tiên chuẩn bị đối phó với một dịch bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo WHO, trên toàn thế giới, số lượng mầm bệnh tiềm tàng rất lớn, trong khi nguồn lực dành cho nghiên cứu và phát triển vaccine, thuốc còn hạn chế. Đầu năm nay, một chủng đậu mùa khỉ mới đã lan rộng ra thế giới, buộc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Đến nay, Tổng Giám đốc WHO xác nhận đợt bùng phát mpox vẫn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, kéo dài tình trạng khẩn cấp được công bố từ ngày 14/8.
Bên cạnh đó, WHO dự đoán nhóm virus Corona được xem là có tiềm năng sản sinh mầm bệnh mới gây ra đại dịch. Trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch Covid-19, các dòng virus Corona khác đã tạo ra những dịch bệnh nguy hiểm, như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Gần đây, một dòng virus cúm gà đang lây lan nhiều nơi và lan từ chim sang thú có vú, cũng được coi là tiềm ẩn bệnh X, theo tạp chí New Scientist.
Theo tiến sĩ Amesh Adalja tại Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế (Mỹ), một số loại virus có thể đã lây lan trong các loài động vật và chỉ chờ cơ hội lây sang con người. "Có thể là từ loài dơi như Covid-19, hoặc cũng có thể là cúm gà hay một số loài động vật khác. Có những chủng virus có tỷ lệ tử vong rất cao có thể phát triển năng lực để lây nhiễm hiệu quả từ người sang người", ông Adalja nói với Đài CBS News.
Tại thời điểm này, nhiều quốc gia đã vào cuộc với mục đích sẵn sàng đối phó với “bệnh X”. Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đã bắt đầu những tiến hành tại khu phức hợp thí nghiệm Porton Down ở Wiltshire, trong sự canh gác hết sức cẩn mật.
Tại Porto Down, người ta đã lập ra Trung tâm Phát triển và Thẩm định vaccine, trên cơ sở phòng thí nghiệm từ đại dịch Covid-19. Hơn 200 nhà khoa học được huy động điều chế các loại vaccine nhằm đối phó với những chủng virus từ động vật có khả năng lây nhiễm sang người.
Theo tiến sĩ Pavithra Venkatagopalan, nhà vi trùng học, chuyên gia về virus corona tại Bệnh viện Madras Next Gen, con người không thể loại bỏ hoàn toàn các bệnh truyền nhiễm khỏi xã hội, bởi virus không ngừng tiến hóa. Đại dịch Covid-19 rất khắc nghiệt nhưng cũng tạo ra điều kiện để thế giới ngăn chặn bệnh X trong tương lai khi giúp thúc đẩy việc phát triển các thiết kế vaccine mới, gồm những loại có thể được tái điều chỉnh nhanh chóng nhằm đối phó mầm bệnh mới.
Trong khi đó, ông Michel Demare, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AstraZeneca, cảnh báo rằng nhiều nước đang không phân bổ đủ nguồn lực cho việc chuẩn bị hệ thống y tế. Theo ông, vấn đề không phải là chi tiền nhiều hơn mà là chi tiêu thông minh hơn. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ dữ liệu minh bạch giữa các nước, đồng thời đề xuất lập các thư viện quốc tế về các loại bệnh và vaccine.