Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết trong quy hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2045, địa phương sẽ triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển trên địa bàn, trong đó có quy hoạch sân bay lưỡng dụng ở Núi Cậu, huyện Dầu Tiếng.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương từng có chủ trương quy hoạch khu đất sân bay quốc phòng tại xã Định An, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 50 ha. Việc quy hoạch này cũng đã có trong danh mục công trình thu hồi đất năm 2023 huyện Dầu Tiếng, theo Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Từ chủ trương này, trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2023, tầm nhìn 2045 của huyện Dầu Tiếng, tỉnh đã đưa vào danh mục quy hoạch sân bay lưỡng dụng và bổ sung diện tích sử dụng đất lên đến 200 ha.
Theo quy hoạch, xã Định An thuộc huyện Dầu Tiếng là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng. Xã có tổng diện tích 71,92 km2. Về cơ sở hạ tầng, xã Định An hiện có khu du lịch sinh thái Đọt Champa, chưa có dự án chung cư, trung tâm thương mại nào. Các điểm tham quan Suối Trúc, điểm hành hương Núi Cậu, điểm tham quan hồ Dầu Tiếng nằm gần địa giới xã Định An.
Song song với quy hoạch sân bay lưỡng dụng, tỉnh Bình Dương đang đầu tư hạ tầng giao thông đường sông, đường sắt để kết nối vùng. Điển hình như các dự án: Đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường ven sông Sài Gòn từ TP. Thủ Dầu Một đến TP. Thuận An kết nối với TP.HCM, cảng An Tây tại thị xã Bến Cát,...
Trước đó, tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (ngày 19/9), Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị quy hoạch sân bay quân sự theo hướng lưỡng dụng tại huyện Dầu Tiếng.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch quần thể di tích Núi Cậu có tổng diện tích khoảng 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ ở khu vực xã Định Thành thành khu du lịch sinh thái gắn liền hồ Dầu Tiếng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách.
Ngày 07/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định này, đến năm 2023, cả nước có tổng cộng 30 sân bay; trong đó, ngoài 28 sân bay đã được quy hoạch sẽ bổ sung hai sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) hiện là sân bay quân sự.
Trong số 30 sân bay này, có 14 sân bay quốc tế và 16 sân bay quốc nội với Ninh Thuận và Biên Hòa được quy hoạch là các sân bay lưỡng dụng. Đến năm 2050 cả nước sẽ có 33 sân bay với số sân bay quốc nội tăng lên là 19 sân bay.
Ngoài ra, trước hàng loạt đề xuất xây dựng sân bay của các địa phương, Chính phủ cũng nói rõ sẽ nghiên cứu, đánh giá khả năng quy hoạch đối với một số sân bay phục vụ an ninh, quốc phòng; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ,... Việc bổ sung quy hoạch sân bay sẽ được xem xét khi hội đủ điều kiện, trong đó có đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và tác động liên quan.