Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Bình Thuận, ngày 03/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1279 thành lập Tổ công tác đặc biệt.
Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ công tác còn có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do các sở, ban, ngành, địa phương đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Tổ công tác còn có trách nhiệm rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Nhằm có cơ sở tổng hợp, phân loại kiến nghị của nhà đầu tư để báo cáo Tổ công tác 1279 xem xét giải quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản số 3373/SKHĐT-HTĐT đề nghị cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, chủ động tiếp nhận, phân loại khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Bình Thuận để gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Tổ công tác 1279) theo dõi, tổng hợp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư có dự án đầu tư tại Bình Thuận nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình thực hiện dự án cũng như những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị (nếu có) gửi về Sở để giám sát, đánh giá theo quy định của Luật Đầu tư…
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bình Thuận (vào tháng 7/2023) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản trầm lắng, ngưng trệ kéo dài góp phần làm cho thu nội địa giảm gần 19,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.671 tỷ đồng.
Về tình hình bất động sản trên địa bàn tỉnh, ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhận định việc xác định giá đất đối với các dự án đầu tư còn rất chậm. Nhiều dự án tuy đủ điều kiện để thực hiện việc tính giá đất, nhưng hiện vẫn chưa xác định được giá đất cụ thể, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và nguồn thu ngân sách tỉnh. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm phê duyệt.
“Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, đất dự án mang tính côn đồ, xã hội đen và tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại một số địa bàn giáp ranh với tỉnh diễn biến phức tạp”, ông Đăng nhấn mạnh.
Ngay sau đó, vào đầu tháng 8/2023, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có cuộc họp tháo gỡ các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, quan điểm của tỉnh là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án du lịch trên tinh thần hỗ trợ tối đa và trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm triển khai, cố tình chây ì, không quyết tâm thực hiện dự án.