Chiều 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về nhóm lĩnh vực dân tộc.
BỐ TRÍ NGÂN SÁCH HƠN 100.000 TỶ ĐỒNG CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề cập đến Nghị quyết 120 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 giao Chính phủ: "Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối bố trí ngân sách trung ương, bổ sung cho chương trình, tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho chương trình". Với vai trò là cơ quan thường trực của chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Về bố trí vốn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc phối hợp các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 là 104.000 tỷ đồng vốn của Trung ương cho giai đoạn từ nay đến 2025, bao gồm vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 54.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn một số nguồn vốn khác, gồm có vốn tín dụng là 19.700 tỷ đồng và vốn của địa phương đối ứng là 10%, khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Nghị quyết Quốc hội cũng giao cho Chính phủ huy động nguồn ngân sách ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn vốn trên là khoảng 2.027 tỷ đồng từ nguồn ODA, khuyến khích huy động một số nguồn vốn xã hội khác.
Cũng theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, năm 2021 và năm 2022 do COVID-19, các doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.
Đối với vốn ODA, Ủy ban Dân tộc đã có một dự án để cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy độnggần 9.000 tỷ đòng và đã làm xong bước thủ tục là xây dựng các khung chính sách và tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn và khung chính sách này đã được phía Ngân hàng Thế giới đã chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán năm 2022 còn vướng mấy vấn đề.
Một là, chương trình mục tiêu chưa triển khai nên nguồn vốn của ngân sách nhà nước chưa giải ngân đồng nào. Thứ hai là áp lực về trần nợ công cũng là một vấn đề. Cho nên dự án này hiện nay đang tạm dừng và tới đây Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo với Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu và đàm phán lại dự án này.
“Như vậy là khả năng để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội khoảng 2000 tỷ đồng bổ sung thêm thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2025. Còn các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước thì báo cáo các đại biểu là giai đoạn này cũng là giai đoạn đang rất khó khăn cho nên cũng chưa đặt vấn đề này.
Trong thời gian tới, tùy theo diễn biến tình hình thì Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo với Chính phủ để có giải pháp để huy động vào thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
2,4 TRIỆU NGƯỜI SẼ ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ
Chất vấn tại nghị trường, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng cho biết những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đánh giá tác động của Quyết định 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đặc biệt là việc 2,4 triệu người dân không còn là đối tượng được Nhà nước mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiêu chí là những xã, thôn nào có 15% người dân tộc thiểu số trở lên thì được xác định là xã hoặc thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với xã nghèo hoặc thôn nghèo là những xã có 15% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại đấy, còn hộ nghèo trở lên thì là xã nghèo.
Tuy nhiên, việc phân định này sinh ra bất cập, là khi xác định được xã nghèo, thôn nghèo thì còn những xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn nữa, trong đó có hơn 1.800 xã đã thoát khỏi diện hộ nghèo và không được hưởng các chính sách đang đầu tư của giai đoạn 2016-2020.
Tháng 9/2021, Ủy ban Dân tộc đã đánh giá tác động và đề xuất với Chính phủ và ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các bộ, ngành để điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, các thông tư, các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để sửa, trong đó có chính sách bảo hiểm đối với người dân tộc thiểu số và có 2,1 triệu người giai đoạn 2016-2021 vẫn còn đang nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã bị ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.
“Đây là vấn đề rất lớn và Ủy ban Dân tộc cũng đã báo cáo với Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế để sửa Nghị định 146. Trong dự thảo sửa Nghị định 146 thì có bổ sung đưa các đối tượng thuộc diện không nằm ở các xã đặc biệt khó khăn mà còn là các hộ dân tộc thiểu số có khó khăn vào trong diện được tiếp tục hưởng chính sách.
Còn 11 chính sách có liên quan ở các bộ, ngành khác, đó là các chính sách về giáo dục, các chính sách về y tế, về nông nghiệp, chính sách về lao động, việc làm thì các Bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ cũng đang tiếp tục để sửa và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.