Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội (Đợt 9).
NHIỀU LẦN CẤP MỚI, GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ HƯU HÀNH THUỐC
Theo đó danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 như sau: Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước được công bố gồm 39 danh mục; Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất tại nước ngoài được công bố gồm 124 danh mục.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, sau 9 đợt công bố đã có 11.866 (bao gồm 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vaccine sinh phẩm) được Bộ Y tế gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80 của Quốc hội.
Cục Quản lý Dược cho biết, đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc trong nước và nước ngoài có thời hạn 3 năm, hoặc 5 năm để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của Nhân dân. Đến nay đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược 2016.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng cho biết cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.
Theo Cục Quản lý Dược, các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn, cấp mới số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý, gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, nên đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
BỆNH VIỆN CHỦ ĐỘNG ĐẤU THẦU, ĐẢM BẢO THUỐC CHO VIỆC ĐIỀU TRỊ
Trước tình trạng thiếu thuốc, trong thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt chủ động trong công tác mua sắm, đấu thầu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng nhiều gói thầu và mua sắm khoảng gần 4.000 tỷ đồng bao gồm trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị.
Từ tháng 1/2023 đến nay, cơ sở y tế này đã đấu thầu, trúng thầu với số lượng khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao, cũng như thuốc để phục vụ khám chữa bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã trúng thầu gói thiết bị như gói thiết bị 4 máy cộng hưởng từ và 2 máy CT. Với các thiết bị mới này và các máy đang sửa chữa đến năm 2024, Bệnh viện có gần chục máy cộng hưởng từ, bệnh nhân đến khám vừa tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn.
"Chúng tôi cũng trúng thầu mua sắm được 2 gói thiết bị hệ thống nội soi đường tiêu hóa, đã có được gói thầu máy siêu âm X quang phục vụ công tác chiếu chụp. Tuần trước chúng tôi đã hoàn thành mua sắm 7 hệ thống phẫu thuật nội soi. Số bệnh nhân cần nội soi từ 600 – 800 ca/ngày, thậm chí cả nghìn ca nếu đủ thiết bị bệnh nhân không phải chờ. Trước đây 7- 8h sáng đã hết số nội soi nhưng hiện tại không còn người bệnh phải chờ", PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.
Ông khẳng định, từ nay đến cuối năm, các thiết bị này được lắp đặt xong thì người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai không phải chờ đợi khám chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề chụp chiếu. Hiện nay, hầu hết các thuốc thiết yếu cơ bản tại bệnh viện đã đảm bảo.
Liên quan đến việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đến nay Bệnh viện vẫn cơ bản đảm bảo được thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện có từ 4.500-5.000 bệnh nhân điều trị nội trú, thực hiện 150-200 ca phẫu thuật và trên 3.000 thủ thuật…, nên nhu cầu về thuốc, sinh phẩm rất lớn.
Theo ông Hiệp, thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân.
Trên cơ sở những văn bản đó, Bệnh viện Trung ương Huế vận dụng các giải pháp nên đã cơ bản đáp ứng tốt được cung ứng hóa chất, vật tư, sinh phẩm trong quá trình điều trị.
Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cũng cho biết, trong quá trình đấu thầu cũng có thể thiếu một số mặt hàng. Do đó, khi nhận thấy điều này, Bệnh viện đã có những giải pháp như: lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh…nhằm kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư.
"Trong trường hợp thiếu do đứt gãy nguồn hàng hay do nhà cung cấp không có thì chúng tôi áp dụng sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế cho thuốc, vật tư đang thiếu", Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin.
Về định hướng, phương án đảm bảo thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế cho thời gian tới, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu và đã có rất nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Y tế.
Trên cơ sở đó, Bệnh viện sẽ thực hiện tổ chức các nhóm như: Tổ chuyên gia; tổ thẩm định nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn bị các hồ sơ kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật để phục vụ cho việc mua sắm, đấu thầu trong năm 2024.