November 01, 2023 | 14:40 GMT+7

Hàng kém chất lượng vẫn lách qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu

Thu Hằng -

Tình trạng nhiều loại vật tư, trang thiết bị y tế có chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ vẫn xảy ra, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Bình Định nêu thực tế tại phiên thảo luận sáng 1/11...

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh - Quochoi.vn.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài, trong khi đó việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại "vô cùng rối".

VẪN CÒN TÂM LÝ SỢ, SAI SỢ TRÁCH NHIỆM

Theo đại biểu tỉnh Bình Định, nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

“Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được các kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog (mục lục) để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói và cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm.

Đồng thời, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành Y tế.

Ngoài ra, theo đại biểu, nhiều năm nay, việc cấp phép, cho phép sử dụng các dụng cụ y tế mới tại Việt Nam đang bế tắc.

"Bản thân tôi cũng phải đưa bệnh nhân ra nước ngoài để chữa vì không có dụng cụ nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn thấy quy định về trình tự, thủ tục, thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán, có những công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam", ông Hiếu nói.

Những khó khăn này càng nhiều hơn đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, bởi quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào các Sở Y tế, Tài chính, Ủy ban nhân dân.

"Việc sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở, sửa xong nộp lại tìm thấy lỗi khác, cứ vậy là hết thời gian quy định thẩm định, và mọi việc lại trở về vạch số không, cuối cùng không có hàng để sử dụng", đại biểu Hiếu nêu thực tế và đề xuất giao trách nhiệm mua sắm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, các bệnh viện về việc chịu trách nhiệm trước pháp luật, người bệnh.

Vấn đề thiếu thuốc cũng đã được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận chiều qua (31/10). Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, cử tri vẫn lo lắng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ có cơ chế trả lại kinh phí cho người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài dù những loại này có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.

Đại biểu cho biết việc cập nhật danh mục thuốc của nước ta mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới, thường mất từ 2-4 năm để cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc ngoài, đặt ra trách nhiệm của ngành Bảo hiểm xã hội. 

THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CUNG ỨNG THUỐC

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Tổ chức Y tế thế giới cũng đánh giá thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế là một thách thức dai dẳng và không phải hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, thậm chí ở các quốc gia phát triển có hệ thống tiên y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Ý… cũng có hiện tượng này.

Các thuốc bị thiếu chủ yếu dùng cho hệ thần kinh, tim mạch, chống nhiễm trùng, thuốc chống ung thư, chống độc, tiêu hóa, vaccine và thuốc, sinh phẩm chế biến từ huyết tương, máu người…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh - Quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh - Quochoi.vn.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất sử dụng để sản xuất khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu; vấn đề lạm phát, khủng hoảng năng lượng; ảnh hưởng xung đột quân sự giữa các quốc gia làm tăng cao chi phí đầu vào của ngành sản xuất dược phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn. Ngoài ra, các công ty thiếu động lực sản xuất thuốc do đem lại ít lợi nhuận hơn.

Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay thực hiện ở cả ba cấp trung ương – đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5 – 18% số lượng thuốc toàn quốc; cấp địa phương và cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm.

“Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh các các nguyên nhân khác quan, còn có nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập. Việc tổ chức mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời, đặc biệt có nơi còn tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương”, Bộ trưởng Lan cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, đầu thầu, thời gian qua, Bộ đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định trong Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám bệnh chữa bệnh và các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ, ngành để tạo hành lang pháp lý.

Đặc biệt, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực từ ngày  1/1/2024 sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đảm bảo nguồn cung và mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1/11. Ảnh - Quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1/11. Ảnh - Quochoi.vn.

Để đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp và gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và trang thiết bị y tế. “Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực đã tạo điều kiện cho thị trường, bảo đảm cung ứng cho các cơ sở y tế”, bà Lan thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với thuốc hiếm; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị cơ sở y tế…

Theo Bộ trưởng Lan, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn xuất hiện tình hình thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. 

Báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023 cho thấy, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng đã thuộc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. 

Những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh. Như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc...

Đối với việc các bệnh hiếm gặp, Bộ Y tế đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề đảm bảo nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm, đặc biệt, liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để đảm bảo thực hiện cho thuốc hiếm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate