Ngày 6/11, Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn diễn ra, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh.
PHÂN LOẠI RÕ ƯU TIÊN ĐẢM BẢO THUỐC, VẬT TƯ CHO NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẤP CỨU
Tại Bệnh viện Việt Đức, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết sau dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám, phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức tăng lên khoảng 200% so với thời gian dịch, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được vượt 130%.
"Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng đó nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện", ông Hùng nói.
Trong tình hình như vậy, Bệnh viện đã phân loại rõ những trường hợp cấp cứu phải tuyệt đối ưu tiên. Theo đó, những gì thuộc về quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thì phải tuân thủ.
Những nội dung thuộc quy định của Bệnh viện, Ban Lãnh đạo thống nhất cần rà soát, nếu những nội dung nào có thể rút ngắn để đẩy nhanh tiến độ mua sắm, phải rút ngắn ngay.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh, trong thực hiện đấu thầu, mua sắm tại Bệnh viện, cả Ban Giám đốc, các phòng ban liên quan đều phải vào cuộc. "Trong quá triển khai, nếu khâu nào còn vướng mắc, băn khoăn, chúng tôi đều phải kết nối để nhờ chuyên gia tư vấn, giải đáp thêm", TS. Hùng cho biết.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng thừa nhận, đã có thời điểm bệnh viện thiếu cục bộ một số chủng loại, song tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về chủ quan, đó là các văn bản chính sách từ khi ban hành đến khi thực hiện thường có độ trễ. Tuy nhiên, những thay đổi từ đầu năm về chính sách đấu thầu, mua sắm, giờ đã có kết quả. Không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác đã và đang làm thầu, mua sắm, lắp đặt.
Về khách quan, lấy ví dụ thực tế tại chính đơn vị, ông Hùng cho biết, có nhiều gói mua sắm vật tư trúng thầu sau quá trình thương thảo, Bệnh viện nhận được giấy của các hãng xin lùi thời giao hàng vì nguồn cung từ nước ngoài gián đoạn.
Với đầu thầu thuốc, ông Hùng nói đơn vị vận dụng cơ chế đặc thù. Đơn cử với thuốc paracetamol trên thị trường hiện có muôn hình vạn trạng, khi đấu thầu mua sắm nếu không có hàng, bệnh viện vận dụng có thể mua thay thế cùng hoạt chất.
Riêng thuốc thải ghép dùng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương sau ghép tạng theo dõi tại Bệnh viện Việt Đức, đây là vấn đề Bệnh viện lo nhất nhưng rất may mắn thuốc cho nhóm người bệnh đặc thù này vẫn đảm bảo.
CHIA THÀNH NHIỀU GÓI THẦU KHÁC NHAU
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, thời gian qua số bệnh nhân nhi đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện này ngày càng tăng lên.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khám khoảng 5.000- 6.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Thường xuyên có khoảng gần 100 trẻ đang phải thở máy và 100 bé phải thở oxy, rất nhiều em mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.
Theo ông Hải, để phục vụ thăm khám và điều trị cho số lượng bệnh nhân nhi như vậy đòi hỏi phải luôn có một cơ số thuốc, vật tư y tế, hóa chất không nhỏ. Trong điều kiện sau đại dịch Covid-19, nguồn cung ứng nhiều mặt hàng thuốc, vật tư y tế của các nhà sản xuất gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cùng với việc xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, Bệnh viện đã thành lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm.
Các Hội đồng nhỏ như Hội đồng mua sắm thuốc, Hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; Hội đồng mua sắm vật tư – sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập song song để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế… Sau đó, Bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các Hội đồng.
Bên cạnh đó, trong thực hiện đấu thầu, mua sắm, Bệnh viện cũng chia ra nhiều gói thầu khác nhau. Riêng về trang thiết bị, vật tư sẽ chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và Bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.
Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu, tiến hành đấu thầu, mua sắm thành công theo quy định hiện hành hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những trường hợp khó.
Theo ông Hải, quá trình mua sắm, đấu thầu của cơ sở y tế này không gặp những khó khăn lớn, kể cả việc mua sắm phục vụ cho duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sẽ được các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, để công tác đầu thầu, mua sắm trong y tế được thuận lợi nhất, phù hợp với đặc thù.