Với vai trò là Phó Chủ tịch phụ trách Chiến lược và An toàn Vận hành kiêm Phó Giám đốc An toàn Hàng không Vũ trụ của Tập đoàn Boeing, ông Al Madar đang lãnh đạo các hành động chung vì văn hóa an toàn, hệ thống quản lý an toàn và công tác an toàn hàng không toàn cầu của Boeing. Ngoài ra, ông còn phối hợp, kết nối với các cơ quan quản lý để đảm bảo sự liên kết và hiệu quả của các nỗ lực chung của Boeing trong việc đảm bảo an toàn hàng không.
Nhân Hội nghị An toàn và khai thác hàng không thế giới của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19-21/9, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Al Madar về những nỗ lực của Boeing trong nâng cao an toàn hàng không và kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về xu hướng an toàn hàng không hiện nay? Và theo ông, có sự khác biệt trong việc đảm bảo an toàn bay giữa các quốc gia phát triển với các quốc gia đang phát triển hay không?
Tôi nghĩ xu hướng hiện nay đang thể hiện rất tốt. Chúng ta vẫn đang học quản lý cách an toàn bay hiệu quả. Con số thực tế đã chứng minh điều đó, tỷ lệ tai nạn trong ngành hàng không hiện rất thấp.
Có một điểm chung trong quản lý an toàn bay hiện nay là các quốc gia đã tuân thủ theo hệ thống chung về quản lý an toàn bay của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). ICAO là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, chuyên đưa ra những chuẩn mực trong ngành hàng không. Đó là cách ICAO quản lý an toàn bay, là nỗ lực quan trọng nhất hướng tới việc khắp nơi trên thế giới đều có hệ thống an toàn bay hiệu quả, giảm dần tai nạn.
Hệ thống quản lý an toàn đã tồn tại trong một thời gian và ngành hàng không rất hợp tác trong việc làm việc cùng nhau để đưa chuẩn mực an toàn bay lên tầm cao hơn. Hội nghị này là một ví dụ về sự hợp tác đó. Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ và chú trọng chia sẻ các thực hành thực tế. Vì vậy, nếu quốc gia nào đang chưa cùng nhịp, chúng tôi có thể xác định được và làm việc cùng nhau để cùng đạt hiệu quả chung.
Việt Nam đang trong quá trình mở rộng hạ tầng sân bay, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Hub hàng không của khu vực/thế giới. Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để đảm bảo an toàn bay nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không?
Tuân theo các nguyên tắc quản lý an toàn của hệ thống quản lý an toàn sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển hạ tầng tốt hơn. Nó sẽ giúp Việt Nam hiểu được các rủi ro khác nhau và đưa ra các biện pháp hạn chế, và làm điều đó một cách tích cực.
Cách tiếp cận học hỏi chia sẻ trong ngành hàng không được đề cập ở trên cũng phù hợp khi mọi người có thể học hỏi từ nhau, bao gồm các hội nghị như hội nghị này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngành này là ngành rất chú trọng sự hợp tác và hỗ trợ. Và Boeing luôn sẵn sàng phối hợp hỗ trợ khi cần thiết.
Để Việt Nam có thể tiếp cận được với thế giới, với những doanh nghiệp hàng đầu như Boeing trong lĩnh vực lĩnh vực an toàn bay, trọng tâm hợp tác giữa hai bên nên tập trung vào vấn đề nào để đạt được mục tiêu chung, thưa ông?
Một trong những điều mà Boeing thực hiện, ví dụ, là chúng tôi tổ chức Hội nghị An toàn hàng không hàng năm vào tháng Hai. Đó là một hội nghị tuyệt vời trong ngành để mọi người có thể tham khảo, học hỏi lẫn nhau về đảm bảo an toàn bay.
Một ví dụ khác mà chúng tôi có chia sẻ thông tin trước đây, là vào đầu năm nay, Boeing đã hợp tác với Đại học Cranfield tổ chức một hội thảo kéo dài 4 ngày tại Hà Nội. Chúng tôi đã mời các đối tác hàng không, đối tác trong ngành, các nhà cung cấp, cơ quan quản lý, đại diện cấp Bộ... cùng tham dự với mục tiêu chia sẻ học hỏi về chiến lược phát triển vận hành sân bay và liên quan đến an toàn bay. Hội thảo cũng có đề cập một phần về hàng không bền vững.
Đó chỉ là một số ví dụ về cách chúng tôi đang làm việc với ban ngành liên quan tại Việt Nam, nơi chúng tôi học hỏi từ Việt Nam và đồng thời chia sẻ các phương pháp tốt nhất có được nhờ vị thế toàn cầu của chúng tôi.
Ông nghĩ như thế nào về văn hóa an toàn hàng không, nó tác động như thế nào đến an toàn hàng không?
Văn hóa rất quan trọng, là nền tảng của một hệ thống quản lý an toàn bay tốt. Bởi nó ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng để chia sẻ thông tin, chia sẻ các vấn đề mà họ gặp phải để từ đó có thể được hỗ trợ giải quyết, đảm bảo hệ thống quản lý an toàn bay tốt.
Như ông đề cập ở trên, Boeing sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quản lý an toàn bay. Nhưng an toàn bay là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao. Vậy Boeing có dự định cụ thể gì về hợp tác này không, thưa ông?
Chúng tôi có cán bộ đại diện vận hành bay, bao gồm các phi công, chuyên gia về hoạt động bay, có thể cung cấp kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo.
Chúng tôi cũng có bộ phận Các sự vụ pháp lý và an toàn toàn cầu (Global Safety and Regulatory Affairs), chịu trách nhiệm việc mở rộng sự cam kết về an toàn và làm việc với các nhà chức trách trên toàn thế giới. Nhờ vào đó sẽ gia tăng sự tương tác với các đối tác liên quan trong ngành và các cơ quan quản lý trong nhiều khu vực, từ đó giúp nâng cao nhận thức một cách đáng kể về các cơ hội và rủi ro liên quan. Chúng tôi cũng có thể xác định các lĩnh vực hợp tác trên các công nghệ hiện có và đang phát triển. Việt Nam cũng có đội ngũ thuộc bộ phận này để hỗ trợ các sáng kiến về an toàn bay khác nhau.