Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM quý 4 và cả năm 2022. Trong đó xác định, năm phục hồi kinh tế - xã hội 2022 được xem là “năm bản lề” tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
TĂNG TRƯỞNG GRDP ĐẠT 9,03%
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của Thành phố ước đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010, tăng trưởng GRDP đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021.
Cụ thể, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,95%, trong đó công nghiệp tăng 12,92%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 8,37%; thuế sản phẩm tăng 7,41%.
Nếu không tính các ngành y tế và cứu trợ xã hội có mức tăng trưởng âm (-2,77%), các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá, gồm: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,47%; vận tải, kho bãi tăng 5,2%; thông tin và truyền thông tăng 9,13%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,77%; kinh doanh bất động sản tăng 4,42%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,04%; giáo dục và đào tạo tăng 5,45%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất 47,05% so với cùng kỳ.
Sự đóng góp của các khu vực kinh tế trong mức tăng trưởng chung 9,03% của nền kinh tế như sau: Khu vực nông lâm thuỷ sản đóng góp 0,02 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,68 điểm phần trăm với công nghiệp góp 2,41 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 5,36 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 0,97 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 64%, đứng thứ hai là công nghiệp – xây dựng 22,1%... Trong đó, chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 58,7% trong GRDP, chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ. Bốn ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp 16,4%; vận tải kho bãi 8,7%; tài chính ngân hàng 10,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5,3% - đây là những ngành là chủ đạo và chiếm 40,5% trong tổng GRDP của Thành phố, chiếm 63,3% nội bộ khu vực dịch vụ.
Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cũng ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối cùng của năm 2022 diễn biến ngược xu hướng với các tháng trước khi có mức giảm 0,07% so tháng 11, với hai nhóm giảm giá là giao thông và may mặc, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều (-3,05%) và chín nhóm còn lại tăng.
So với tháng 12, CPI tháng 12/2022 tăng 4,92% với 10/11 nhóm hàng tăng giá trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức 14,87%; tiếp đến là nhóm nhà ở với mức tăng 7,42%; nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông (-0,32%).
Tính bình quân cả năm, CPI tăng 2,73%. Hai chỉ số giá được quan tâm nhiều nhất, tăng nhiều nhất là vàng và đô la Mỹ; theo đó, chỉ số giá vàng bình quân năm 2022 tăng 16,96% và chỉ số giá USD bình quân cả năm tăng 1,14%.
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG GẦN 14%
Sản xuất công nghiệp được xem là một “điểm sáng” phục hồi kinh tế của TP.HCM năm 2022. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 13,9%; chia ra: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,0%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 9,4%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 24/30 ngành có IIP năm 2022 tăng so với năm 2021. Một số ngành có mức tăng cao, như: Sản xuất đồ uống tăng 62,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 61,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 58,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 53,7%; dệt tăng 36,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 32,5%.
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điể, IIP năm 2022 tăng 20,4% so với năm ngoái. Bao gồm, ngành hóa dược tăng 32,2%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 30,5%; ngành cơ khí tăng 8,7%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 2,0%.
Đối với ba ngành công nghiệp truyền thống, IIP năm 2022 tăng 17,9% so với năm 2021. Chia ra như sau: ngành dệt tăng 36,5%; ngành sản xuất trang phục tăng 19,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,2%.
Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp cả năm tăng 16,3% so với năm 2021. Một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh, gồm: Sản xuất đồ uống tăng 90,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 68,0%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 57,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 50,7%.
Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022 so với quý III/2022, cho thấy: Có 25,5% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 29,5% giữ ổn định và 45,0% khó khăn hơn. Trong đó, 68,2% doanh nghiệp nhà nước nhận định rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khối doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp FDI lần lượt là 54,6% và 45,5%.
Cục Thống kê TP.HCM cũng đưa ra dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh năm 2023 ghi nhận được từ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 so với quý IV năm 2022, có 22,3% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 31,5% giữ ổn định và 46,2% cho rằng sẽ khó khăn hơn. Và trong khi 59,1% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2023 thì tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI có phần khiêm tốn hơn, khoảng 53,4%.
XUẤT KHẨU DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC
Một “điểm sáng” khác của kinh tế TP.HCM năm 2022 là hoạt động xuất khẩu và kim ngạch xuất nhập khẩu, đến nay được ghi nhận đứng đầu cả nước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 47.182,8 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 44.906,0 triệu USD, tăng 4,5%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố bao gồm cả dầu thô, trong cả năm 2022 đạt 41.580,3 triệu USD, tăng 1,8%. Phân ra như sau: khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.960,9 triệu USD, tăng 17,6%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 13.201,5 triệu USD, tăng 12,6%; khu vực FDI đạt 25.417,9 triệu USD, giảm 4,5%.
Đặc biệt, TP.HCM đã ghi nhận trong cả năm có bảy mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,0% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 15,3 tỷ USD; dệt may 4,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, phụ tùng 2,2 tỷ USD; giày dép 2,5 tỷ USD; dầu thô 2,3 tỷ USD; gạo 1,2 tỷ USD và gạo 1,0 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, ước tính hết tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM cả năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021, tổng nguồn thu khoảng 138.000 tỷ đồng.
Trước đó, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đã công bố số liệu xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 của cả nước, cho biết TP.HCM đang dẫn đầu đồng thời bỏ xa các địa phương khác thuộc nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo đó, đứng đầu là TP.HCM (101,58 tỷ USD), thứ hai là Bắc Ninh (78,55 tỷ USD), thứ ba là Bình Dương 54,4 tỷ USD,…
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa của TP.HCM, đứng đầu là thị trường Trung Quốc, đạt 9.067,3 triệu USD và chiếm 21,8% tỷ trọng; thứ hai là thị trường Mỹ, đạt 7.361,2 triệu USD và chiếm 17,7% tỷ trọng; thị trường Nhật Bản đứng thứ ba, đạt 2.977,8 triệu USD và chiếm 7,2% tỷ trọng; thứ tư là thị trường Hong Kong, đạt 2.443,5 triệu USD, tỷ trọng 5,9%. Riêng thị trường khối EU, xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố đạt 5.839,4 triệu USD, tăng 13,5% và chiếm 14% tỷ trọng.
ĐIỀU CHỈNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2023
Được biết, tại thời điểm tháng 12/2022, hầu hết các tổ chức quốc tế điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó; đồng thời điều chỉnh giảm mức tăng trưởng năm 2023 thấp hơn so với năm 2022.
Báo cáo Chính phủ đã ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng khoảng 8% và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6 - 6,5%).
TP.HCM cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Thành phố năm 2023 sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm 2022. Nguyên do là tiềm ẩn nguy cơ về đứt gãy đơn hàng, áp lực tăng giá; thế giới vẫn phải đối phó với những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng hoảng năng lượng và an ninh.
Dự kiến năm 2023 tăng trưởng GRDP của TP.HCM từ 7,5% đến 8%.