Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (dài 18,7 km), Đồng Nai (45,6 km), Bình Dương (47,45 km), TP.HCM (17,3 km) và Long An (dài nhất với 78,3 km), được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao tỉnh Long An là đầu mối chủ trì dự án.
Tại Đồng Nai, Sở Giao thông vận tải tỉnh này cho biết Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã đồng ý và giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn MIK (MIK Group Việt Nam) làm nhà đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, và đơn vị này đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan.
MIK Group Việt Nam cũng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai thẩm định tổng mức đầu tư dự án thành phần qua Đồng Nai với tổng kinh phí hơn 19.151 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước khoảng 9.575 tỷ đồng, chiếm 50%. Riêng cầu Thủ Biên nối Bình Dương với Đồng Nai và cầu Bàu Cạn nối Đồng Nai với Bà Rịa – Vũng Tàu, các địa phương thống nhất sẽ do tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư. Đồng Nai sẽ phụ trách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như khai thác vật liệu, giải phóng mặt bằng,… để triển khai dự án.
Lộ trình cụ thể dự kiến: trong quý 2/2024 sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quý 4/2024 hoàn thành công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; quý 2/2024 đến quý 2/2025 dự kiến hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ. Từ quý 4/2024 đến quý 4/2027 sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư và triển khai dự án.
Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sử dụng vốn đầu tư công từ ngân sách của tỉnh, dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng, để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trước đó, ngày 18/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã có thông báo thống nhất hướng thiết kế ban đầu của tuyến và chọn mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An có nền đường rộng 25,5 m để đồng bộ với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và TP.HCM.
Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh này cũng đã thống nhất đề nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí xây dựng trong tổng mức đầu tư gần 54.650 tỷ đồng đoạn qua địa phận; phần ngân sách địa phương là 10%. Kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban nhân dân tỉnh Long thống nhất tính chung vào tổng vốn dự án và đề nghị trung ương hỗ trợ.
Ngày 17/4/2024, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các địa phương dự án, đề nghị các địa phương cân đối nguồn vốn để có thể chủ động triển khai ngay sau khi dự án được thông qua; đồng thời thống nhất để TP.HCM chủ trì, cùng lựa chọn một đơn vị tư vấn rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ dự án.
TP.HCM và các địa phương ký kết, ban hành kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng dự án vào tháng 3/2024. Các địa phương đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả các dự án, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trong tháng 4/2024 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có chiều dai 207 km, đi qua địa phận 5 tỉnh và thành phố gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 105,964 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng. Cơ cấu vốn và phương thức đầu tư: Chủ trương chung 50/50, gồm vốn ngân sách (trung ương và địa phương) chiếm 50%, vốn huy động PPP 50%.