April 19, 2024 | 17:22 GMT+7

Đường Vành đai 4 TP.HCM: Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí đầu tư

Xuân Nghi -

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 207 km, đi qua địa phận 5 tỉnh và thành phố, do tỉnh Long An làm chủ đầu tư, vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh này thống nhất chọn phương án đầu tư theo chuẩn cao tốc 100 km/h đồng thời đề nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí đầu tư xây dựng...

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM qua các tỉnh, thành phố.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM qua các tỉnh, thành phố.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thông báo kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh này cho biết, tỉnh thống nhất hướng thiết kế ban đầu của tuyến và chọn mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An có nền đường rộng 25,5 m để đồng bộ với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và TP.HCM. 

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km đi qua các tỉnh, thành Bà Rịa – Vũng Tàu (dài 18,7 km), Đồng Nai (45,6 km), Bình Dương (47,45 km), TP.HCM (17,3 km) và Long An (dài nhất với 78,3 km), được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao tỉnh Long An là đầu mối chủ trì dự án. Quy mô chiều rộng mặt cắt ngang được đề xuất (giai đoạn 1) từ 22 - 27 m, tùy địa phương. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 105.964 tỷ đồng.

Trên tuyến có các cầu, các cầu được bố trí 2 đơn nguyên mỗi đơn nguyên 12,25 m. Riêng đoạn tuyến từ cầu Cần Giuộc đến ranh giới tỉnh Long An và TP.HCM dài 5,7 km sẽ đi trên cao. Thiết kế này nhằm không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại. Tỉnh Long An cũng thống nhất chọn vị trí trạm dừng chân trên địa bàn huyện Đức Huệ, diện tích khoảng 10 ha; trong đó, hạng mục trạm dừng chân khoảng 1 ha, phần còn lại được quy hoạch kết hợp xây dựng các khu thương mại, dịch vụ.

Các chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban nhân dân tỉnh Long thống nhất tính chung vào tổng vốn dự án và đề nghị trung ương hỗ trợ. Các huyện được giao trách nhiệm rà soát, thống kê và tiến hành giải tỏa, đền bù một lần cho quy mô giai đoạn hoàn thiện của dự án, không chia tách gây khó khăn cho toàn dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An chịu trách nhiệm rà soát lại quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng để bổ sung vào thuyết minh, làm cơ sở đề xuất Chính phủ phê duyệt cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quy hoạch sử dụng đất đối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ cần bám theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. 

Về vốn và cơ chế vốn, tỉnh Long An thống nhất đề nghị trung ương hỗ trợ 90% kinh phí xây dựng trong tổng mức đầu tư gần 54.650 tỷ đồng đoạn qua địa phận; ngân sách địa phương là 10%.

Trước đó vào đầu tháng 3/2024, tại cuộc họp lấy ý kiến lãnh đạo các tỉnh, thành phố về phương án đầu tư Vành đai 4 TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hiện các đoạn/tuyến đang được các địa phương liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo ông Lâm, dự án Vành đai 4 TP.HCM được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 22 – 27 m, 4 làn mỗi bên (thiết kế chuẩn cao tốc 100 km/h), 2 làn dừng khẩn cấp, dải phân cách cứng bêtông. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 105,964 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng. Cơ cấu vốn và phương thức đầu tư: Chủ trương chung 50/50, gồm vốn ngân sách (trung ương và địa phương) chiếm 50%, vốn huy động PPP 50%.

Dự án được đề xuất đầu tư theo hai phương án: Phương án 1, mỗi địa phương chịu trách nhiệm đầu tư phần dự án qua địa phương mình; phương án 2, gộp thành một dự án chung và lập một ban chỉ đạo chung triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, để lập một ban chỉ đạo chung để triển khai chung một đại dự án cao tốc vành đai như vậy, khó khăn về vấn đề kỹ thuật, thời gian triển khai, cơ chế vướng mắc là không nhỏ. Nếu chọn phương án 2 thì các địa phương buộc phải thanh lý hợp đồng đã ký với các đơn vị tư vấn trước đồng thời các bên sẽ cùng ký lại một hợp đồng mới với chỉ một đơn vị tư vấn để thực hiện toàn bộ dự án. Điều này khiến tiến độ dự án khó đạt kỳ vọng khởi công trong năm 2025 nếu như để mỗi địa phương tự làm.

Riêng đối với Long An, đoạn/tuyến đi qua địa phận tỉnh này có chiều dài 78,3 km, dài nhất trong số các địa phương và chiếm 38% tổng chiều dài dự án nên thuộc dự án nhóm A. Tỉnh Long An không đủ nguồn vốn đầu tư và đã đề nghị trung ương hỗ trợ 90% vốn cho dự án (các địa phương khác tham gia 50% vốn nhà nước địa phương trong cơ cấu vốn nhà nước).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate