Đầu năm 2019, tại thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, quan chức địa phương quyết định đầu tư lớn vào một quận công nghiệp mới. Khi đó, nền kinh tế đang phát triển đầy triển vọng, quận công nghiệp cùng một hệ thống đường sắt trên cao bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, thành phố này giờ đây "đau đầu" với siêu dự án rơi vào ngưng trệ trong bối cảnh chính quyền đang gánh khối nợ khổng lồ.
NỢ CHỒNG NỢ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Trong suốt nhiều năm, Liễu Châu và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc vay nợ số tiền khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD để đầu tư các dự án phát triển kinh tế. Nguồn tiền này từng giúp thay đổi bộ mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế tại nhiều địa phương ở Trung Quốc.
Theo tờ báo Wall Street Journal, giờ đây, những công trường xây dựng nhan nhản, những tuyến đường sắt ít khi được sử dụng và nhiều điểm tham quan du lịch bỏ hoang đang đe dọa tương lai của nhiều địa phương nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Liễu Châu đã huy động nhiều tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho quận công nghiệp mới nói trên. Tuy nhiên, nhiều khu phố ở quận này hiện tại gần như bị bỏ hoang.
“Chính quyền đã cạn tiền”, một người dân địa phương ở Liễu Châu nói.
Vấn đề nằm ở các cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương (local government financing vehicle - LGFV). Thông qua LGFV, các chính quyền địa phương huy động tiền để phát triển hạ tầng, nhưng nhiều dự án trong số đó không mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài 3 năm qua khiến các chính quyền địa phương – vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ bán đất cho các công ty bất động sản – mất đi chỗ dựa tài chính.
Theo ước tính của các nhà kinh tế, quy mô nợ ngoài sổ sách của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc nằm trong khoảng 7-11 nghìn tỷ USD. Các nhà kinh tế cho rằng khó biết rõ con số chính xác bởi sự thiếu minh bạch xung quanh các thỏa thuận tài chính. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến khối nợ này ngày càng phình to.
Trong khối nợ trên, khoảng 800 tỷ USD có rủi ro vỡ nợ cao. Nếu các LGFV không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, Bắc Kinh có thể phải giải cứu và một động thái như vậy có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng hơn. Đó là càng kích thích hoạt động vay nợ không lành mạnh.
Hoặc trong trường hợp Bắc Kinh để mặc cho các vụ vỡ nợ xảy ra, hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ đứng trước thiệt hại nghiêm trọng và có thể dẫn tới việc thắt chặt tín dụng, từ đó gây cản trở hơn nữa cho sự tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề này được dự báo sẽ là một chủ đề quan trọng tại Hội nghị Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ngày 15/7.
Rõ ràng, khối nợ khổng lồ trên là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thời gian qua không hành động quyết liệt để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm xuống còn 5,2% năm ngoái, từ mức 7,8% một thập kỷ trước.
Các tổ chức Moody’s Investors Service và Fitch Ratings đều đã hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ mức ổn định xuống mức tiêu cực, chủ yếu do nhận định rằng các chính quyền các địa phương nước này khó có thể thực thi đầy đủ và kịp thời nghĩa vụ hoàn trả khối nợ khổng lồ.
NHỮNG DỰ ÁN PHÙ PHIẾM
Hiện tại, lãnh đạo nhiều chính quyền địa phương trở thành những kẻ tội đồ. Ông Wu Wei, thị trưởng Liễu Châu, đã bị sa thải vào tháng 11 năm ngoái và bị cáo buộc lạm dụng quyền lực cùng một số tội danh khác. Cơ quan điều tra của Đảng cũng cáo buộc ông này theo đuổi các dự án phù phiếm và lãng phí.
Thiếu tiền, cộng với việc bị Chính phủ siết giám sát, dự án tàu trên cao ở Liễu Châu hiện bị bỏ dở. Một quan chức thành phố này cho biết thành phố không thể trả lời câu hỏi về các khoản nợ của mình.
Nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cũng đang phải gác lại các dự án hạ tầng. Đa số các dự án dùng nguồn vốn huy động được qua các LGFV đều là những dự án kém hiệu quả về mặt kinh tế.
Đơn cử, thành phố Liupanshui, tỉnh Quý Châu, đã huy động vốn qua 6 LGFV để đầu tư cho 23 dự án du lịch, trong đó có một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên một ngọn núi chỉ có tuyết trong chưa đầy 2 tháng mỗi năm. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết 16/23 dự án trên là các dự án “hiệu quả thấp”, không được khai thác hết công suất.
Một LGFV khác của tỉnh Vân Nam lân cận cũng huy động 8,4 tỷ USD để xây dựng các dự án, bao gồm một dự án “không gian sống nghệ thuật”. Sau khi được xây dựng, khu nhà ở "nghệ thuật" này không thu hút nhiều cư dân. Cuối cùng, chính quyền bán dự án vào năm 2021 với mức giá ít ỏi cho một LGFV khác trong cùng tỉnh.
Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, trong số gần 2.900 LGFV của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được khảo sát năm ngoái, chỉ 1/5 có đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ gốc và lãi trong ngắn hạn.
Giới phân tích cho rằng, nếu không có các giải pháp triệt để và căn cơ để giải quyết bom nợ các địa phương, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chìm sâu vào khó khăn, chưa nói tới đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới.