November 29, 2022 | 10:56 GMT+7

Các doanh nghiệp dự kiến cắt giảm thêm hơn 15.000 lao động

Phúc Minh -

Theo tổng hợp của công đoàn, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 28/11 đã có báo cáo về tình hình cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp. Theo đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động là 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 doanh nghiệp, chiếm 47,73%.

DỆT MAY, DA GIÀY CÓ SỐ LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG VIỆC LÀM CAO NHẤT

Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may với 226 doanh nghiệp (chiếm 18,28%); da giày 109 doanh nghiệp (chiếm 8,82%); chế biến gỗ 196 doanh nghiệp (chiếm 15,86%); điện tử 62 doanh nghiệp (chiếm 5,02%); cơ khí 31 doanh nghiệp (chiếm 2,51%), trong lĩnh vực khác 612 doanh nghiệp (chiếm 49,51%). Đáng chú ý, trong khu công nghiệp có 360 doanh nghiệp (chiếm 29,13% tổng số doanh nghiệp).

Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là hơn 472.000 lao động (chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp). Trong đó, tại doanh nghiệp dân doanh có 118.889 lao động (chiếm 25,18%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 353.324 lao động (chiếm 74,82%).

Da giày là ngành có số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm cao nhất với 171.414 lao động (chiếm 36,30%), tiếp đến là dệt may với 131.340 lao động (chiếm 27,81%); chế biến gỗ 63.681 lao động (chiếm 13,49%); điện tử 19.535 lao động (chiếm 4,14%); cơ khí 5.239 lao động (chiếm 1,11%); các ngành nghề khác khoảng 81.000 lao động (chiếm 17,15%).

Tổng số lao động trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 172.088 lao động, chiếm 36,44% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, có 30.279 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng.

Về mức độ ảnh hưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có 41.558 người lao động thôi việc, mất việc (chiếm 8,80%); 430.665 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 91,20%), bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Đặc biệt, có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là hơn 110 tỷ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của 32.315 lao động với tổng số tiền là hơn 237 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.

Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…

SẼ CÓ TÌNH TRẠNG DOANH NGHIỆP NỢ LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Người lao động mất việc được hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động mất việc được hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh - Nhật Dương. 

Theo thông tin tổng hợp từ công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.

“Sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động; doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.

Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Các công đoàn cơ sở cần theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đến nay nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án bố trí nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

Cùng với đó, đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao đông trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Trường hợp phải chất dứt hợp đồng lao động thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo ngay về cơ quan này nếu có trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, sử dụng đông lao động, có các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu, doanh nghiệp thành viên ở nhiều tỉnh, thành phố hoặc các doanh nghiệp cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia đồng loạt cắt giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, nợ lương, cắt giảm chế độ đối với người lao động…Từ đó, để có các giải pháp thống nhất, đồng bộ để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate