June 01, 2022 | 08:53 GMT+7

Các ngân hàng trung ương 60 lần tăng lãi suất chỉ trong 3 tháng, thế giới hết thời tiền rẻ

An Huy -

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tiến hành đợt tăng lãi suất rộng nhất trong 2 thập kỷ qua. Cùng với sự đảo ngược của của chính sách tiền tệ nới lỏng, thời kỳ tiền rẻ kéo dài mấy năm qua đang khép lại...

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ Finanancial times, trong vòng 3 tháng trở lại đây, các ngân hàng trung ương đã có hơn 60 lần công bố tăng lãi suất, nhiều nhất kể từ ít nhất năm 2000.

Việc tăng lãi suất trên diện rộng này phản ánh chủ trương rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà thế giới đã theo đuổi kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thậm chí nới lỏng thêm sau khi Covid-19 trở thành đại dịch. Lãi suất đã giữ ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử tại hầu hết các nền kinh tế lớn trong thập kỷ qua, và trong một số trường hợp thậm chí giảm dưới 0.

CUỘC ĐUA NÂNG LÃI SUẤT

Sự dịch chuyển chính sách bất ngờ này diễn ra trong bối cảnh lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ tại nhiều quốc gia, khi giá năng lượng và lương thực-thực phẩm cùng tăng vọt kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2.

Bà Jennifer McKeown, trưởng bộ phận dịch vụ kinh tế học toàn cầu thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định: “Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có sự phối hợp cao nhất trong nhiều thập kỷ”.

Trong số 55 lần tăng lãi suất được công bố trong 3 tháng qua, có những đợt nâng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Cả hai ngân hàng trung ương này đều chấm dứt quãng thời gian hàng thập kỷ của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo và phản ứng với sự leo thang của giá cả bằng cách tăng lãi suất trong các cuộc họp kế tiếp nhau.

Nhà kinh tế học Christian Keller của Barclays nói: “Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ thực sự là một hiện tượng toàn cầu”.

 

Trong số 20 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, 16 ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất trong vòng 6 tháng tới. Tiến độ thắt chặt được dự báo sẽ diễn ra nhanh nhất ở Mỹ và Anh.

Đầu tháng 5, Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm lên 0,75-1%, đánh dấu đợt tăng lãi suất mạnh nhất của ngân hàng trung ương Mỹ kể từ năm 2000. Trong cuộc họp liền trước đó vào tháng 3, Fed áp dụng mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. BOE đã có 4 lần nâng lãi suất trong 4 cuộc họp tính đến tháng 5, đưa lãi suất cơ bản của đồng Bảng lên 1%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang tính đến việc nâng lãi suất vào tháng 7, lần đầu tiên kể từ năm 2011, và tiến tới chấm dứt cuộc thử nghiệm lãi suất âm kéo dài 8 năm vào tháng 9 năm nay. Các ngân hàng trung ương của Canada, Australia, Ba Lan và Ấn Độ cũng đều dự kiến nâng lãi suất trong những tuần tới đây.

Bất chấp sự thắt chặt này, lãi suất trên toàn cầu vẫn thấp so với chuẩn lịch sử, và giới kinh tế học cảnh báo rằng những đợt tăng gần đây mới chỉ là sự khởi đầu của chu kỳ thắt chặt toàn cầu.

Ông McKeown nói rằng trong số 20 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, có 16 ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất trong vòng 6 tháng tới. Tiến độ thắt chặt được dự báo sẽ diễn ra nhanh nhất ở Mỹ và Anh. Thị trường tài chính dự báo đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, lãi suất cơ bản tại Eurozone, Canada, Australia và New Zealand sẽ tăng thêm ít nhất 1 điểm phần trăm.

Ông Keller nói rằng xu hướng tăng lãi suất trên diện rộng đặt ra khả năng các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc những động thái lớn hơn: “Việc công bố những động thái chính sách mạnh hơn hoặc sớm hơn dự báo sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu có một ngân hàng trung ương khác cũng làm như vậy”.

MỘT SỐ NGOẠI LỆ

Các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Mỹ Lain đã khởi động chu kỳ thắt chặt vào năm ngoái, cho dù phải hứng chịu thiệt hại lớn do Covid gây ra. Brazil đã tăng lãi suất 10 lần chỉ trong vòng 1 năm, đưa lãi suất cơ bản lên mức 12,75%, từ mức chỉ 2% vào tháng 3 năm ngoái. Mexico, Peru, Colombia và Chile cũng đều đã tăng lãi suất.

Nhà kinh tế học Silvia Dall’ Angelo thuộc công ty quản lý đầu tư Federated Hermes nói rằng ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi “đã tỏ ra chủ động hơn trước sự leo thang của lạm phát”.

 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chính sách của các khoản vay kỳ hạn 1 năm về 3,7% từ mức 3,8% trước đó, tương đương mức giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tại châu Phi, các nước gồm Ghana, Ai Cập và Nam Phi đều đã nâng lãi suất.

Lạm phát ở khu vực Đông Á thấp hơn ở một số nơi khác, nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mới đây cũng nâng lãi suất cơ bản lần thứ hai trong vòng 2 tháng. Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) khiến thị trường bất ngờ khi tuyên bố tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.

Nhưng vẫn có một nền kinh tế lớn đang đi ngược lại xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, và đó là Trung Quốc - đất nước đang đối mặt với tổn thất kinh tế gia tăng từ chính sách chống dịch hà khắc mang tên zero Covid và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chính sách của các khoản vay kỳ hạn 1 năm về 3,7% từ mức 3,8% trước đó, tương đương mức giảm 0,1 điểm phần trăm. Các ngân hàng thương mại ở nước này cũng giảm lãi suất các khoản vay mua nhà.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn đang duy trì cam kết giữ lãi suất ở mức 0, đồng thời sẽ mở rộng bảng cân đối kế toán nếu cần thiết.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) - sau khi mạnh tay nâng lãi suất trong năm ngoái và sau khi nước này mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine - mới đây đã có 3 lần hạ lãi suất liên tiếp để ngăn đà tăng giá mạnh của đồng Rúp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate