Theo số liệu từ công ty đầu tư Capstone Partners, tính đến tháng 11/2024, đã có 57 thương vụ sáp nhập được thực hiện, tăng so với 43 thương vụ cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà đầu tư chiến lược hầu như không có nhiều thay đổi so với năm trước.
Ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích bán lẻ tại công ty nghiên cứu dữ liệu Globaldata, nhận định: “Tâm lý của các nhà đầu tư trong năm 2024 khá thận trọng. Mặc dù có sự quan tâm chung đối với các hoạt động mua bán doanh nghiệp, nhưng các nhà đầu tư lớn lại xem xét kỹ lưỡng lợi nhuận và tài chính, đồng thời né tránh các thương vụ mang lại quá nhiều rủi ro”.
Nhiều yếu tố đã tác động đến tình hình sáp nhập. “Sự bất định không thúc đẩy các thương vụ M&A”, bà Marissa Lepor, đối tác và trưởng bộ phận làm đẹp và chăm sóc cá nhân tại công ty M&A The Sage Group, nhận định. Bà cho rằng sự chững lại của các thương vụ mua bán và sáp nhập là do tâm lý người tiêu dùng và những biến động kinh tế toàn cầu.
Theo bà Marissa, các cuộc bầu cử tại Mỹ và Anh cùng với những thách thức địa chính trị đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, trong khi lạm phát bất ổn kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. “Ngay cả những khách hàng thuộc tầng lớp cao cũng buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng khi chi tiêu, dẫn đến tác động lan rộng tới các thương hiệu trên toàn cầu.
Những xu hướng này diễn ra cùng lúc với việc các nhà đầu tư ngày càng tập trung vào lợi nhuận. Khi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu có ý thức hơn, các công ty đã phải cắt giảm ngân sách marketing, điều này khiến tăng trưởng bị chậm lại, ngay cả đối với những thương hiệu hàng đầu,” bà Marissa giải thích.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán năm 2025 sẽ là một năm sôi động hơn của ngành làm đẹp với các thương vụ M&A, bởi nhiều yếu tố rủi ro của năm trước đã giảm bớt.
CÁC PHÂN KHÚC ĐÁNG CHÚ Ý
Xét theo phân khúc, các nhà đầu tư đang hướng đến sự giao thoa giữa các lĩnh vực. “Điều thú vị chính là những thương hiệu có khả năng kết hợp làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và tái định nghĩa các giới hạn trong ngành”, bà Shana Randhava nhận định.
Chẳng hạn, phân khúc nước hoa đang dần chuyển mình từ việc chỉ đơn thuần là một lớp hương thơm bề mặt sang sự gắn kết với sức khỏe và tinh thần. Nếu các thương hiệu biết cách kết hợp hương thơm với yếu tố chăm sóc sức khỏe và dữ liệu liên quan, điều này có thể mở ra tiềm năng tăng trưởng mới, bà chia sẻ. Các nhà phân tích dự đoán rằng, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, các nhà đầu tư và người mua sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào phân khúc này.
Bà Nell Daly, một nhà đầu tư mạo hiểm tại Revenge Fund, cũng đặt cược vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ. Bà tin rằng phân khúc này, vốn gắn liền với xu hướng hiện tại và sự chú trọng vào sức khỏe và tuổi thọ, sẽ đạt được mức độ thâm nhập thị trường đáng kể, từ đó thu hút các nhà đầu tư. “Khoảng trống trên thị trường đang mang lại cơ hội sinh lợi cho các thương hiệu phát triển các giải pháp dành riêng cho sức khỏe phụ nữ, từ vấn đề nội tiết tố đến sự bền bỉ lâu dài. Khi các thương hiệu tập trung vào lĩnh vực này, họ sẽ tạo ra lộ trình phát triển và mang lại lợi nhuận đầu tư”, bà Nell Daly nhận định.
Điều gì đang mất dần sức hút? “Những công ty chỉ tập trung vào cảm giác 'tốt đẹp' mà thiếu sự tiến bộ khoa học và chỉ dựa vào chiến lược marketing thuần túy”, ông Ken Wasik, đồng giám đốc Capstone Partners, nhận định. Bất kể quy mô thương hiệu, ông giải thích rằng các nhà đầu tư không còn hứng thú với những thương hiệu kiểu này vì họ không thể duy trì lòng trung thành của khách hàng trong một thị trường cạnh tranh. Họ cũng không có điểm khác biệt nổi bật.
Ở một khía cạnh khác, “các thương hiệu làm đẹp sạch, tự nhiên và hữu cơ không còn quá nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng nữa vì họ đã trở nên quá thông thái”, Denise Russell, đồng sáng lập công ty đầu tư làm đẹp Next8, nhận xét. “Nếu không có kết quả dựa trên dữ liệu và khoa học đã được chứng minh, các thương hiệu sẽ gặp rủi ro về sự ổn định”.
Bà Nell Daly bổ sung rằng những thương hiệu sử dụng sự đa dạng trong phân loại sản phẩm làm điểm bán hàng độc đáo giờ đây không còn hấp dẫn. “Trong bối cảnh hiện tại, đó nên là điều hiển nhiên”, bà nói. “Thay vào đó, một thương hiệu có thể cân bằng giữa phân loại đa dạng với khả năng thích nghi với các kiểu khí hậu, môi trường hoặc kiểu da khác nhau sẽ thu hút sự chú ý. Mức độ cá nhân hóa sâu sắc như vậy mới thực sự hấp dẫn với cả các nhà đầu tư và người tiêu dùng”.