Ngày 27/12, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, cho biết một người phụ nữ sống tại Hà Nội đã phải nhập viện sau khi nâng mũi bằng filler tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Filler là chất làm đầy thường dùng trong thẩm mỹ, tiêm trực tiếp vào các vùng như sống mũi, mặt hoặc khu vực teo lõm do lão hóa. Giá cho thủ thuật này là 15 triệu đồng, được giảm về 7 triệu.
Theo ThS Nguyễn Minh Nghĩa, bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều ca gặp biến chứng sau tiêm filler. Nhiều chị em sau khi tiêm bị đau nhức, khó chịu và sốt liên tục… và được người thân đưa đến bệnh viện trong tình trạng mũi nhiễm trùng, sưng đỏ, mọc mụn mủ, mảng da ở đầu mũi và sống mũi chuyển màu thâm. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ đã phải tiêm tan, điều trị kháng sinh, chăm sóc tích cực để phục hồi vùng da bị tổn thương, tránh nhiễm trùng mới, hạn chế hình thành sẹo xấu.
"Nếu tiêm filler vào mạch máu, filler không tan, vón cục hoặc quá nhiều làm tắc mạch máu hoặc chèn ép mạch máu, dẫn đến thiếu máu nuôi ở vùng điều trị, gây nhiễm trùng, áp xe, hoại tử. Một mối nguy khác là tiêm phải các sản phẩm filler trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng chặt chẽ và bảo quản đúng quy định của nhà sản xuất", bác sĩ Nghĩa cảnh báo.
Thực tế, nhiều cơ sở không thuộc chuyên ngành da liễu hay phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí không được đào tạo y tế, vẫn thực hiện các thủ thuật làm đẹp như tiêm filler nâng mũi, nâng ngực. Người thực hiện thường thiếu kiến thức về giải phẫu, lão hóa, hoặc sử dụng chất liệu không phù hợp, dẫn đến tai biến. Ngoài ra, các phẫu thuật như cắt mí, tạo lúm đồng tiền... cũng tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm, sốc thuốc. Nhiều trường hợp tai biến phải ghép da, tạo hình, gây tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng sức khỏe.
Trước đó, để tiết kiệm thời gian di chuyển và mong muốn nhanh chóng sở hữu làn da sáng mịn đón Tết, chị H.N.L., 35 tuổi, sống tại Tây Hồ (Hà Nội) đã quyết định đến một spa gần nhà trị nám. Tại đây, nhân viên spa cam kết rằng chỉ cần thực hiện từ 1 - 2 liệu trình lột da hóa học (peel da) kết hợp tiêm meso, làn da của chị sẽ trở nên căng bóng và sạch nám.
Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành liệu trình đầu tiên, chị L. nhận thấy da mình có dấu hiệu bỏng rát bất thường. “Tuy nhiên nhân viên spa trấn an rằng đây là dấu hiệu tốt, rằng càng rát thì da sẽ càng đẹp", chị L. chia sẻ. Thế nhưng, chỉ sau một tuần, toàn bộ vùng da điều trị bắt đầu chuyển sang thâm sạm nghiêm trọng, khiến chị lập tức đi khám.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, ThS. BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam nhận định: "Qua quá trình kiểm tra chuyên sâu, chúng tôi xác định làn da của chị L. đã bị tổn thương nghiêm trọng, bao gồm tình trạng tăng sắc tố, viêm da kích ứng và bỏng rát. Việc phục hồi sẽ cần ít nhất 3 đến 4 tháng điều trị tích cực". Đáng chú ý, nếu người bệnh để tình trạng này kéo dài lâu hơn 6 tháng mà không được điều trị kịp thời thì sẽ gây ra tình trạng nám vĩnh viễn, không thể quay trở về làn da như bình thường.
Theo BS Thành, trong thời gian cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang cận kề, số ca bị biến chứng do điều trị nám hỏng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với những tháng trước. "Trong khoảng thời gian bình thường, trung bình mỗi tuần tôi điều trị khoảng 2 đến 3 ca biến chứng sau khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong khoảng một tháng trở lại đây, có những ngày tôi điều trị từ 5 đến 7 ca. Có những ca đến tối muộn vẫn còn đến vì họ gặp phải tình trạng nám và tổn thương", BS Thành chia sẻ.
Tương tự, thị trường dịch vụ giảm béo, giảm mỡ luôn rầm rộ vào dịp cuối năm. Để kịp đón tết, nhiều khách hàng dễ dàng rơi vào bẫy của những lời quảng cáo “chỉ sau vài tiếng phẫu thuật có ngay vòng eo hoàn hảo”. Một phụ nữ 30 tuổi (Hà Nội) đã chi 100 triệu đồng để hút mỡ ở một cơ sở y tế tư nhân. Sau một tháng, phần bụng chị xuất hiện nhiều u cục, biến dạng. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ phải cắt bỏ những khối xơ, làm sạch các tổ chức bụng, phục hồi căng cơ, lớp mỡ và da của thành bụng.
Thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM cũng liên tiếp phát hiện các cơ sở cung cấp dịch vụ giảm cân, giảm béo vi phạm quy định, lấn sân sang lĩnh vực y tế. Trong đó, cơ sở Americare Clinic - Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (quận Phú Nhuận), Công ty TNHH BB Beauty (quận 10) được cấp phép hoạt động phòng khám chuyên khoa da liễu nhưng cung cấp dịch vụ giảm béo, giảm mỡ, điều trị béo phì. Các cơ sở thừa nhận việc sử dụng các máy laser, máy nâng cơ RF (radio frequency) trong quá trình cung cấp dịch vụ giảm béo cho khách hàng...
Lo ngại về tình trạng làm đẹp cấp tốc đón tết, PGS-BS Đỗ Quang Hùng (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy) nhấn mạnh, phẫu thuật hút mỡ bụng không phải là phương pháp điều trị giảm cân như nhiều quảng cáo. Khách hàng đối mặt với biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu hút mỡ tại cơ sở không phép, hoặc do các bác sĩ “tay ngang” thực hiện. PGS-BS Đỗ Quang Hùng nhấn mạnh: “Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao, kéo theo nguy cơ làm đẹp mất an toàn ở các cơ sở không phép, trái phép, vượt chuyên môn. Người dân cần hết sức cẩn trọng”.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo làm đẹp cần có thời gian, tuân thủ chỉ định bác sĩ, không vội vàng và dùng dịch vụ kém chất lượng. Khi làm đẹp, chị em cần tham khảo ý kiến chuyên gia, lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín để đảm bảo an toàn. Không chạy theo xu hướng, nên lựa chọn dịch vụ làm đẹp hợp lý, phù hợp lứa tuổi... để tránh "tiền mất, tật mang".
Không lựa chọn dịch vụ giá rẻ, được quảng cáo tràn lan mà rước họa vào thân. Trường hợp làm đẹp tại cơ sở tư nhân xuất hiện biến chứng, chị em nên đến bệnh viện ngay, không được tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp. Sai lầm này khiến tình trạng của người bệnh nặng nề, khó hồi phục và chi phí tốn kém hơn.