Sau năm bùng nổ 2021 (đạt gần 1,54 tỷ USD), vốn đầu tư vào startup Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo báo cáo đổi mới và đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố mới đây, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm trước. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, theo một số thống kê, số vốn chỉ dao động từ 350-400 triệu USD.
“MÙA ĐÔNG” GỌI VỐN VẪN CHƯA QUA
Theo dữ liệu tổng hợp của Tech in Asia, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á trong năm 2023- từ giai đoạn hạt giống đến IPO- đang trên đà rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Nếu xu hướng đầu tư trong nửa đầu năm 2023 được giữ nguyên, các chuyên gia dự đoán tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á sẽ cán mốc 6,2 tỷ USD trong cả năm.
Riêng tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup công nghệ tính từ đầu năm tới ngày 28/6 khoảng 0,4 tỷ USD, bằng một nửa so với cả năm 2022 và vẫn cách xa năm 2021, thời điểm bùng nổ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ.
Nhìn tổng quan, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong 6 tháng đầu năm tại Việt Nam đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore (2 tỷ USD) và Indonesia (0,6 tỷ USD). Các quốc gia còn lại đều chứng kiến tổng vốn đầu tư trong nửa đầu năm 2023 ít hơn Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, lĩnh vực công nghệ đang trải qua “mùa đông gọi vốn”, đồng thời dự đoán tình hình này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới và chỉ có thể được cải thiện sớm nhất vào năm 2024. Chuyên gia lĩnh vực khởi nghiệp Cris Duy Trần nhận định: do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thị trường vốn đầu tư cho startup 6 tháng đầu năm ở Việt Nam khá ảm đạm, không có giao dịch đầu tư nào nổi bật.
Đánh giá về nguồn vốn đổ vào khởi nghiệp ở Việt Nam, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho rằng nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp ở Việt Nam chững lại và sẽ giảm ít nhất khoảng 20-30%. Đây là tình trạng chung của các thị trường khu vực.
Thống kê trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam ước khoảng 350 triệu USD và trong những tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn. Dự báo năm 2023, mức vốn đổ vào startup có thể chỉ đạt tương đương năm 2022. Trong đó, phần lớn sẽ là những dự án gọi vốn nhỏ (5-10 triệu USD), rất khó có những dự án trăm triệu USD như giai đoạn 2019-2021. “Ở thời điểm này, rất ít nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền vài chục triệu USD cho các dự án khởi nghiệp”, bà Lâm nói.
Có thể ở thời điểm trước, thị trường vốn rẻ, lãi suất thấp, các quỹ “lỏng tay” hơn trong giải ngân vốn, nhưng khi thị trường trong giai đoạn khó khăn, nhà đầu tư sẽ thắt chặt giải ngân hơn. Tất nhiên, những dự án với ý tưởng sản phẩm và mô hình kinh doanh đủ tốt, được nhà sáng lập triển khai nghiêm túc vẫn sẽ nhận được đầu tư.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất tăng, mức giá của các startup giai đoạn sớm ở Việt Nam chưa có sự điều chỉnh nhiều, vẫn còn khá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Ở một số thị trường như Singapore, Philippines, Indonesia, mặt bằng giá đã giảm 30-40%.
Để đạt được mức kỷ lục giá trị vốn đầu tư startup như năm 2021 sẽ cần thời gian. Một số chuyên gia dự báo khoảng năm 2025, có thể thị trường sẽ quay trở lại mức tăng của năm 2021, đạt mốc trên 1 tỷ USD vốn đầu tư.
ĐỂ VƯỢT QUA GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN
Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực khởi nghiệp của khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Do Ventures và StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự tăng trưởng này được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, việc gọi vốn cho các startup thời gian qua có xu hướng giảm. Bà Bùi Thị Hoàng Điệp, đồng sáng lập, kiêm CEO EJOY English Learning cho rằng khó khăn lớn nhất với các startup hiện nay chính là vấn đề khách hàng và nguồn vốn.
Với những startup đã hoạt động và đang trên đà tăng trưởng, làm thế nào để gọi vốn duy trì phát triển kinh doanh là câu hỏi thách thức. Đặc biệt trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn, việc startup thuyết phục các quỹ đầu tư xuống tiền là rất khó khăn.
Đây là thách thức lớn với các startup nhưng cũng giúp thị trường sàng lọc ra những startup thực sự tốt. Nếu startup có sản phẩm chất lượng tốt, khách hàng sẽ trả tiền. Đối với các startup chưa ra sản phẩm, các nhà sáng lập cần có cái nhìn thực tế hơn bởi theo bà Điệp, hiện nay nhà đầu tư, khách hàng không trả tiền cho những thứ chưa rõ ràng như ở giai đoạn trước.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải có những bước đi thận trọng, tập trung vào những ngành nghề chính, lựa chọn các phương thức kinh doanh và phương thức đầu tư mới để gọi vốn phù hợp.
Đây cũng là thời gian để các startup hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tăng tốc, bứt phá. Các startup cần khai thác, tận dụng những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước; đồng thời, tăng cường tính chủ động hợp tác với các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển thành công trong thời gian tới...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam