July 05, 2022 | 17:00 GMT+7

Cần 750 tỷ USD tái thiết đất nước, Ukraine muốn dùng tài sản bị tịch thu của giới tài phiệt Nga

Phương Linh -

Chính phủ Ukraine tin rằng nguồn tiền tài trợ lớn nhất để tái thiết Ukraine chính là tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị phương Tây đóng băng sau lệnh trừng phạt...

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal ngày 4/7 cho biết nước này cần có 750 tỷ USD cho kế hoạch tái thiết đất nước theo 3 giai đoạn sau chiến tranh với Nga.

Đây là phát biểu của ông Shmygal tại Hội nghị Tái thiết Ukraine được tổ chức tại Thụy Sỹ. Tại đây, mức thiệt hại trực tiếp mà cuộc chiến tranh gây ra đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine được ước tính là hơn 100 tỷ USD.

“Ngày hôm nay, mức thiệt hại trực tiếp với cơ sở hạ tầng của Ukraine là hơn 100 tỷ USD”, ông Shmygal nói. “Ai sẽ chi trả cho kế hoạch tái thiết này ước tính lên tới 750 tỷ USD của chúng tôi?”.

Theo ông Shmygal, Chính phủ Ukraine tin rằng dù có sự hỗ trợ của các nước quốc gia, nguồn tiền tài trợ lớn nhất để tái thiết Ukraine chính là tài sản của các nhà tài phiệt Nga bị phương Tây đóng băng sau các lệnh trừng phạt.

Kế hoạch tái thiết Ukraine được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên sẽ tập trung vào việc sửa chữa cá hạng mục quan trọng với đời sống hàng ngày của người dân như hệ thống cung cấp nước. Giai đoạn tiếp theo sẽ được triển khai sau khi kết thúc giao tranh, tập trung vào khôi phục hệ thống nhà ở, bệnh viện và trường học. Giai đoạn cuối cùng tập trung vào các hạng mục nhằm khôi phục và phát triển đất nước trong dài hạn.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ thành lập một cơ chế giúp điều phối việc tái thiết Ukraine và sẽ có thêm nhiều tiền hơn nữa hỗ trợ Ukraine trong thời gian tới. Cơ chế này sẽ giúp xác định các khu vực, cơ sở hạ tầng cần xây dựng, điều phối các nguồn lực có sẵn và huy động thêm nếu cần thiết.

Cơ chế đặc biệt giúp tái thiết Ukraine sẽ gắn kết các quốc gia, thể chế, khu vực tư nhân và xã hội dân sự lại với nhau. Cơ chế này cũng sẽ bao gồm các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Ngân hàng Đầu tư châu Âu thuộc EU đang đề xuất một cơ chế trước đây từng được sử dụng trong đại dịch Covid-19 để giúp tái thiết Ukraine trong tương lai. Theo Reuters, cơ chế này dự kiến sẽ bơm hơn 100 tỷ USD cho Ukraine.

Theo Chủ tịch EC, việc EU giúp Ukraine tái thiết sẽ mang lại lợi ích lớn cho nước này. Ngoài các kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, sự tham gia của EU sẽ giúp Ukraine đẩy mạnh cải cách, sự minh bạch và củng cố con đường trở thành thành viên chính thức của EU.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate