Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.
MỨC LƯƠNG HƯU QUÁ THẤP KHÔNG ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024, sẽ không còn mức lương cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng theo đó việc quy định theo luật hiện hành về quy định mức lương hưu thấp nhất như trên không còn phù hợp.
Ban soạn thảo cũng cho biết theo thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng, tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng (tầng hưu trí xã hội) chính là mức lương hưu thấp nhất.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện đang quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội và không nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội.
Thời gian hưởng, mức hưởng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, dự kiến thấp nhất khoảng 500.000 đồng/tháng. Do đó, dự kiến lương hưu thấp nhất tới đây có thể là mức khoảng 500.000 đồng/tháng.
Trước thông tin bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất, nhiều ý kiến lo ngại nhiều người sẽ có mức hưởng rất thấp, không đảm bảo cuộc sống.
Thảo luận về nội dung này tại Quốc hội hôm 27/5, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, cho biết quy định về mức lương hưu thấp nhất trong các Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, 2014 đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn. Vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức lương cơ sở.
“Tuy nhiên theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024. Nếu coi mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội với dự kiến là 500.000 đồng/người/tháng sẽ kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội”, đại biểu Ma Thị Thúy lo ngại.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ.
Mức tham chiếu cụ thể tại thời điểm cải cách tiền lương phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng/tháng khoảng từ 8 -15%, tùy theo tốc độ tăng tỷ lệ lương mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024.
Đại biểu cho rằng mức tăng như vậy mới đảm bảo hài hòa giữa thu nhập người đang làm việc với người hưởng lương hưu. Còn nếu khoảng cách quá xa sẽ tạo sự bất bình đẳng trong xã hội, không bảo vệ được nhóm lao động yếu thế.
CẦN CÓ MỨC SÀN AN SINH TỐI THIỂU
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, mức 500.000 đồng/người/tháng chỉ tương đương với 33,3% mức chuẩn nghèo thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng, và 25% so với mức chuẩn nghèo thu nhập thành thị là 2 triệu đồng.
“Như vậy, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu này sẽ tụt dốc không phanh. Vì thế, nếu giữ được mức sàn tối thiểu ít nhất bằng, hoặc cao hơn mức 1,8 triệu đồng vào năm 2024 thì rất nhiều lao động yếu thế sẽ được hưởng cuộc sống an sinh ấm no, đủ sống hơn mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn”, đại biểu đoàn Tuyên Quang nêu quan điểm.
Theo đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đang làm việc và đã nghỉ hưu, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án luật cần đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định của chính sách bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Vương Thị Hương, đoàn tỉnh Hà Giang, cũng cho rằng dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn. Thậm chí, lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai.
Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ, nhằm hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến, đoàn TP. HCM, đề nghị cần xây dựng chế độ hưu trí hấp dẫn, đặc biệt lương hưu phải đủ mức sống tối thiểu của bản thân họ, bởi hiện nay có một lượng người hưởng hưu trí thấp hơn mức lương tối thiểu.
Về việc bỏ mức lương hưu thấp nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban soạn thảo lý giải tới đây, khi mục tiêu mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm xã hội ở mức thấp hơn mức lương.
Mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang lấy mức lương cơ sở. Tuy nhiên, nếu để bắt buộc phải bằng mức lương cơ sở thì một loạt những người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm xã hội, vì không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu.
Về mức hưởng lương hưu hằng tháng, dự thảo luật hiện đang quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam, và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.