Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng ngày 18/3, việc bán chéo bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là nhiều kẽ hở trong khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới, tiếp tục nhận được sự quan tâm và chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội.
NHIỀU QUY ĐỊNH NGĂN KẼ HỞ, ĐẨY RỦI RO CHO NGƯỜI MUA
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Đình Gia, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được tư vấn chào mời với chiết khấu cao và được trừ vào tiền mua bảo hiểm lần đầu. Bên cạnh đó, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo, tranh giành khách hàng quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm. Theo đại biểu, điều này tạo hiểu lầm cho khách hàng và ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, người bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào người tư vấn, trong khi đó, người tư vấn thường chỉ tư vấn, giới thiệu những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia. Vì vậy, người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp.
Trước thực tế nhức nhối này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Cùng chung mối quan tâm về lĩnh vực bảo hiểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 (2018), Nghị định 80 (2019) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Vì vậy, đại biểu quan tâm đến những điểm mới của dự thảo nghị định liên quan đến việc quản lý bán bảo hiểm và các tổ chức tín dụng để giải quyết các vướng mắc hiện nay.
Trả lời câu hỏi về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm và về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.
Trước những bất cập kể trên, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Về hợp đồng bảo hiểm dài cả trăm trang, Bộ trưởng thừa nhận điều này gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn và chặt chẽ hơn. Đồng thời, luật cũng quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, luật cũng cấm ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc kèm các sản phẩm do ngân hàng cung cấp; đồng thời, cấm các tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau khi giải ngân khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.
MẠNH TAY ĐÌNH CHỈ, RÚT GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, quan tâm đến kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ Tài chính trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các sai phạm của công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết hiện có 19 công ty bảo hiểm, trong đó, có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Bảo Minh và Bảo Việt, còn lại 17 công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài, của nước ngoài. Hoạt động chủ yếu là các đại lý, nhân viên trong nước thực hiện.
Theo Bộ trưởng, việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng chứ chưa chắc đã do của các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo. Có thể là bảo hiểm liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý. Điều này dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm.
Trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Năm 2024, theo kế hoạch được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 06 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó, sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 02 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).
Qua thanh tra, Bộ Tài chính nhận thấy các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance chủ yếu do sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng.
Về hành chính, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng. “Bộ Tài chính xử lý nghiêm thông qua các hình phạt và phạt bổ sung, chẳng hạn như rút giấy phép, đình chỉ để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn. Biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Thời gian qua, Bộ Tài chính có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cũng tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, nhân viên của đại lý tổ chức tín dụng, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.
Đối với các doanh nghiệp có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị của khách hàng, Bộ Tài chính đều tổ chức làm việc trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu rà soát, báo cáo và có giải pháp xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng.
Để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính chuyển thông tin cho Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.