Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có những điều chỉnh về quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Theo đó, tại Điều 72 dự thảo Luật quy định, người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với lao động nam, 30 năm đối với lao động nữ thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn được tính như sau: Bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Nếu người lao động đủ tuổi về hưu, và đủ điều kiện nhận lương hưu tối đa 75%, mà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, thì mức trợ cấp cho mỗi năm đóng thừa bằng 2 lần bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng nhận được ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75%, thì được tính bằng một lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cho những năm đóng bảo hiểm xã hội cao.
Đồng thời, cũng có ý kiến đề nghị để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội suốt vòng đời lao động (không hưởng bảo hiểm xã hội một lần), thì ngoài mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định còn được hưởng thêm các quyền lợi.
Đơn cử như được tăng thêm số tiền được hưởng khoảng 5% - 7% so với mức hưởng theo quy định hiện nay. Đồng thời, được hưởng chính sách chăm sóc y tế và các chính sách an sinh khác dành cho người lao động, hoặc người thân của họ.
Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết theo quy định hiện nay, nhất là đối với chế độ hưu trí của nước ta đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là tương đối hào phóng.
Người lao động và người sử dụng lao động đang chỉ phải đóng có 22% mức lương vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, trong khi đó mức hưởng tối thiểu là 33,75% đối với lao động nam và 45% đối với lao động nữ, mức trần tối đa đều là 75%.
Việc quy định về mức hưởng như dự thảo Luật là bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, và đã được tính toán đến sự an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nếu nâng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng lớn tới việc cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, và cần phải được đánh giá tác động nếu như bổ sung quy định này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có những quy định khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội suốt vòng đời lao động, khi không hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đó là, nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu, mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội không đủ 15 năm) sẽ được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Họ cũng có thể được hưởng các quyền lợi khác như, trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo hiểm xã hội đã đóng trong thời gian từ sau khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (dự kiến 75 tuổi nếu Luật được thông qua).
Trong thời gian này thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội cho phép được giữ quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung các chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội suốt vòng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Luật hiện hành quy định, nếu người lao động muốn được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% thì ngoài đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu, cần bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 30 năm đối với nữ, và 35 năm đối với nam.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2022, cả nước đã giải quyết cho gần 763.000 người hưởng lương hưu, trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109.000 người hưởng lương hưu mới. Tuy nhiên, chỉ có hơn 55% người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao song với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính lương hưu không cao, nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay chưa được cải thiện nhiều.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2023, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp (khu vực nhà nước) là 6,936 triệu đồng, của người lao động thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã là 6,38 triệu đồng, chênh lệch khoảng 9%.
Hiện có khoảng hơn 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.