Bộ Công Thương cho biết thời gian qua Bộ đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển thương mại điện tử. Mặc dù vậy, đối với bà con dân tộc thiểu số miền núi, việc tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn.
KIẾN THỨC CÔNG NGHỆ GẦN NHƯ BẰNG 0
Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp ở các địa phương có thể tự đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử còn khiêm tốn. Việc đưa sản phẩm lên sàn online đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, cũng như bà con chưa mang lại giá trị như mong muốn.
Tại toạ đàm “Gia tăng kênh thương mại điện tử, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” mới đây, bà Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm, cho biết việc sử dụng các kênh thương mại điện tử để bán hàng giúp tiếp cận người tiêu dùng rất nhanh và tiếp cận được đến số đông người tiêu dùng và thậm chí tiếp cận được đến phân khúc khách hàng mục tiêu mà mình mong muốn.
Song cái khó là hợp tác xã có 184 hộ, thì 50% là người đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 70% là người nghèo, cận nghèo nên kiến thức về công nghệ gần như bằng 0 khiến việc khai thác, sử dụng các nền tảng số một cách hiệu quả chưa đạt. Đây chính là trở ngại, khó khăn lớn nhất mà hợp tác xã đang gặp phải.
Phản ánh thực tế cụ thể tại địa phương, ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cũng nêu, Trà Vinh hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất thấp, chủ yếu là doanh nghiệp lớn mới có thiết bị hạ tầng tốt, còn đa phần các doanh nghiệp siêu nhỏ thì trang thiết bị còn yếu.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo tập huấn thương mại điện tử được chú trọng quan tâm nhưng các doanh nghiệp địa phương chưa rành và chưa quan tâm nhiều đến mức độ có thể vận hành để thực hiện tốt.
Ở góc độ sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm được làm ra chưa được bắt mắt và chưa đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm làm ra không đồng chất với nhau, chất lượng chưa hài hoà, đồng đều nên khi tham gia thị trường vẫn còn một số cản trở.
Ngoài ra, các doanh nghiệp địa phương cũng gặp một số khó khăn nữa. Như chi phí đăng kí tham gia sàn thương mại điện tử còn khá cao đối với các doanh nghiệp của tỉnh. Cách thức quản lý và thực hiện đăng tải sản phẩm lên cũng như kỹ năng livestream của các doanh nghiệp địa phương bán hàng rất hạn chế, còn yếu, chưa thực hiện được trong khâu bán hàng trực tuyến.
Đồng thời, các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc khai thác kênh phân phối, chủ yếu đi vào thị trường truyền thống.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn An Sơn, Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) bổ sung, khó khăn chính khi tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên sàn thương mại điện tử là phải cạnh tranh với các sản phẩm của doanh nghiệp khác và cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái.
Mặt khác, nguồn nhân lực hạn chế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển ứng dụng thương mại điện tử, nhất là nhân lực doanh nghiệp vùng đồng bào của dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó là chi phí liên quan đến chuyển đổi về mô hình, quy trình sản xuất, quy trình bán hàng trong doanh nghiệp. Chi phí này rất lớn và nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp có thể chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử.
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO BÀ CON
Để khắc phục những hạn chế trên, bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) cho rằng cần nâng cao nhận thức cho bà con về chất lượng sản phẩm, trong đó liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản. Giúp bà con hiểu được rằng, khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử thì phải là sản phẩm hoàn thiện. Hoàn thiện không những về sản phẩm mà còn về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, phải có chứng nhận, chứng chỉ…
Với các sàn thương mại điện tử, theo bà Huyền, phải đưa ra những quy định, quy chuẩn cho các nhà bán hàng khi đưa sản phẩm lên. Đồng thời phải rà soát liên tục, rà soát xem công tác đưa sản phẩm lên đã chính xác chưa, đã chuẩn chỉnh chưa, khi đó người tiêu dùng mới tin tưởng về sản phẩm.
Ông Sơn đồng tình, doanh nghiệp tại địa phương cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Nhân sự trong doanh nghiệp phải sẵn sàng ứng dụng được thương mại điện tử cũng như công nghệ số và có được một tư duy, phương pháp rõ ràng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số, qua đó phát triển kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Mặt khác, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo ông Sơn, chất lượng sản phẩm về lâu dài sẽ là một tiêu chí hàng đầu để quyết định việc mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện nay đã rất thông minh, nên chất lượng sản phẩm tốt và mẫu mã hàng hóa sẽ thu hút được người tiêu dùng.
Cùng với đó, phải liên tục đẩy mạnh tiếp thị trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, nhất là các kênh như Facebook, Zalo, Tiktok và qua đó khách hàng cũng sẽ dễ tiếp cận được website cũng như là các sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng hơn.
Là doanh nghiệp, bà Thuỷ mong muốn được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực để có thể tự vận hành bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Mong muốn được hỗ trợ để hoàn thiện các sản phẩm chế biến đáp ứng được các tiêu chuẩn, đặc biệt đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.