December 21, 2024 | 11:30 GMT+7

Cạnh tranh AI ngày càng nóng tại Trung Quốc: ByteDance giảm giá mô hình AI mới thấp hơn 85% so với thị trường

Quỳnh Anh

ByteDance đang liên tục “phả hơi nóng” lên thị trường trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc…

Công ty mẹ của TikTok đang tạo ra cuộc cạnh tranh về giá trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc - Ảnh minh họa.
Công ty mẹ của TikTok đang tạo ra cuộc cạnh tranh về giá trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc - Ảnh minh họa.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã tăng sức nóng trên thị trường trí tuệ nhân tạo tổng hợp (GenAI) của Trung Quốc bằng cách giảm giá một mô hình AI mới có khả năng “hiểu biết trực quan” và tung ra một loạt bản cập nhật sản phẩm.

Mức giá cực thấp của ByteDance nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng ở thị trường Trung Quốc, nơi các công ty Big Tech và các công ty khởi nghiệp đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến giá cả tàn khốc.

Mô hình mới là một phần của chatbot AI Doubao nổi tiếng của công ty, được giới thiệu ở mức 0,003 nhân dân tệ (tương đương 0,00041 USD) cho mỗi nghìn lượt sử dụng token. Tan Dai, Chủ tịch đơn vị đám mây Volcano Engine của ByteDance, cho biết tại một sự kiện của công ty vào ngày 18/12.

Token là đơn vị thanh toán tiêu chuẩn để sử dụng các mô hình AI thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Mức giá này thấp hơn 85% so với mức trung bình của ngành, người dùng chỉ cần trả 1 nhân dân tệ để xử lý tới 284 hình ảnh độ phân giải cao.

Mức giá cực thấp của ByteDance cho mô hình AI tiên tiến - có khả năng hiểu văn bản, vật thể và quan hệ không gian trong hình ảnh, cùng với thực hiện suy luận nâng cao đã nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng ở thị trường Trung Quốc, nơi các công ty Big Tech và các công ty khởi nghiệp đã chủ động tham gia vào cuộc chiến giá cả tàn khốc để thu hút khách hàng.

Bắt đầu từ giữa năm nay, các công ty công nghệ Trung Quốc từ những gã khổng lồ như Alibaba Group Holding, Baidu, ByteDance và Tencent Holdings, cho đến các công ty khởi nghiệp như Zhipu AI, đã giảm mạnh giá sử dụng mô hình AI của họ thông qua API, một số thậm chí còn cung cấp các dịch vụ cơ bản của họ miễn phí với một số điều kiện.

ByteDance, chủ sở hữu TikTok đã nổi lên như người đi đầu trong cuộc đua tận dụng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, chiêu mộ những tài năng hàng đầu từ các đối thủ địa phương và trở thành khách hàng lớn nhất của Nvidia tại nước này.

Theo nhiều người am hiểu về hoạt động tuyển dụng, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này đã thu hút các kỹ sư và nhà nghiên cứu AI hàng đầu rời khỏi Alibaba và các công ty khởi nghiệp như 01.ai và Zhipu trong những tháng gần đây. Họ cũng đã thành lập và mở rộng các nhóm làm việc trên các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và các sản phẩm AI của mình.

Chìa khóa để mở rộng AI là mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nvidia. ByteDance chỉ có thể mua H20 của Nvidia cho các trung tâm dữ liệu Trung Quốc, một phiên bản GPU chuyên dụng và kém mạnh mẽ hơn được điều chỉnh để phù hợp với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Nhưng ByteDance có thể mua chip H100 và Blackwell cao cấp nhất cho các trung tâm dữ liệu bên ngoài quốc gia. Điều đó đã khiến ByteDance tăng cường năng lực tính toán bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả việc đăng ký với tư cách là người thuê chính cho các trung tâm dữ liệu mới ở Malaysia.

Mặc dù không có người dẫn đầu rõ ràng trong nỗ lực phát triển LLM tiên tiến nhất của Trung Quốc, ByteDance, cùng với các đối thủ DeepSeek và Alibaba, đã và đang tung ra các mô hình có khả năng hơn và cắt giảm chi phí cho các nhà phát triển.

Nhưng ByteDance đã đảm bảo vị trí dẫn đầu trong việc phát triển ứng dụng AI phổ biến nhất Trung Quốc, với chatbot AI Doubao nổi lên như đối thủ mạnh nhất của ChatGPT tại Trung Quốc. Theo trang phân tích trang web Aicpb.com, họ phát hành Doubao vào tháng 8 năm 2023, 5 tháng sau Ernie Bot của Baidu, nhưng kể từ đó đã trở thành ứng dụng AI phổ biến nhất đất nước.

Đến tháng 11, Doubao có 60 triệu người dùng di động hoạt động thường xuyên hàng tháng, so với gần 13 triệu của Wenxiaoyan - phiên bản di động được đổi thương hiệu của Ernie Bot của Baidu. Tuy nhiên, OpenAI cho biết họ có 300 triệu người dùng hoạt động hàng tuần trên toàn cầu.

ByteDance cũng đã ra mắt chatbot ở nước ngoài, Cici AI, được hỗ trợ bởi các mô hình của bên thứ ba bao gồm GPT của OpenAI.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate