Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nguồn vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về cho các địa phương nhằm thực hiện dự án trong tháng 8/2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ (hơn 14.233 tỷ đồng) cho dự án về các địa phương dự án.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cùng các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Bộ này cũng sẽ phối hợp tham mưu việc bố trí vốn thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ phối hợp cùng các bộ, địa phương cân đối nguồn vốn triển khai, xây dựng phương án tổ chức thực hiện việc thu hồi vốn đầu tư dự án, hướng dẫn các địa phương dự án thực hiện trái phiếu chính quyền địa phương, nếu có.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra nhiều cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. Trong đó đồng ý cho phép TP.HCM lập hội đồng cố vấn dự án gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án… Kinh phí hoạt động của hội đồng cố vấn thực hiện theo quy định hiện hành và quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập dự toán chi phí cho hội đồng này.
Dự thảo nghị quyết cho phép triển khai cùng lúc các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án thành phần (dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có 8 dự án thành phần), gồm: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các quy hoạch liên quan; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu…
Các dự án thành phần của dự án Vành đai 3 sẽ được tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt đầu tư theo từng dự án thành phần độc lập; trong đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt là cơ sở để quyết định phê duyệt dự án thành phần.
Về vật liệu thi công dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án thành phần của dự án có quy mô lớn, sẽ triển khai thi công đồng loạt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, nguồn vật liệu phục vụ thi công sẽ gặp khó khăn như nhiều dự án khác trong đó có dự án cao tốc Bắc Nam, dự thảo nghị quyết cũng đề xuất cơ chế đặc thù về vấn đề vật liệu.
Cụ thể, đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa được cấp giấy phép thì trước khi khai thác, nhà thầu phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị,... tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố có mỏ khoáng sản đó. Nhà thầu phải báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định. Sau khi khai thác đủ khối lượng, nhà thầu thi công có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường đồng thời bàn giao ại mỏ khoáng sản, đất đai cho địa phương quản lý.
Đối với các mỏ khoáng sản cung cấp vật liệu xây dựng đã được cấp phép khai thác và đang khai thác, dự thảo nghị quyết cho phép các địa phương được nâng công suất khai thác lên không vượt quá 50% công suất được ghi trong giấy phép khai thác nhằm phục vụ dự án, không cần lập dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo ĐTM.
Dự thảo nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ còn quy định một số cơ chế đặc thù về chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Ngày 16/6/022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 57/2022 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km, đi qua bốn địa phươn; bao gồm: Đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP.HCM có chiều dài 47,51 km với 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến sẽ rất khó khăn, phức tạp vì ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của nhiều cá nhân, tổ chức.