Các nhà lãnh đạo châu Âu có lẽ đã thở phào khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không hướng mũi dùi chỉ trích vào Liên minh châu Âu (EU) trong bài phát biểu nhậm chức của ông vào ngày 20/1. Ngoài ra, ông cũng chưa đưa ra tuyên bố áp thuế quan lên hàng hóa châu Âu như đã đe dọa trước đó.
Tuy nhiên, sự chia rẽ là điều được dự báo sẽ xảy ra ở châu Âu trong nhiệm kỳ này của ông Trump.
Phát biểu khi trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Trup tuyên bố “áp thuế quan và đánh thuế các quốc gia khác để làm giàu cho người dân của chúng ta” và rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu - một hòn đá tảng trong chính sách của EU - nhưng không đưa ra các chi tiết cụ thể.
CÁNH HỮU CHÂU ÂU HÀO HỨNG
Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn gác lại tất cả những khác biệt tiềm tàng với Mỹ - quốc gia trong 80 năm qua đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Antonio Costa đã chúc mừng ông Trump bằng thông điệp trên mạng xã hội X, gửi tới nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ “những lời chúc tốt đẹp nhất”.
“EU mong muốn hợp tác chặt chẽ với ngài để giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu”, bà von der Leyen và ông Costa viết.
Nhưng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã gây ra sự chia rẽ trong hàng ngũ các chính trị gia châu Âu - theo tờ báo Financial Times. Trong đó, một số nhóm cánh hữu xem các chính sách đối nội của ông, bao gồm cả cam kết trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, như hình mẫu để châu Âu có thể học hỏi theo. Thủ tướng Giorgia Meloni của Italy - một chính trị gia cánh hữu - là nhà lãnh đạo duy nhất của EU được mời tới dự lễ nhậm chức ông Trump, trong khi các quan chức hàng đầu của EU như bà von der Leyen vẫn chưa có cuộc gặp nào với tân Tổng thống Mỹ.
Ông Meloni - đang tự định vị mình là người thay mặt cho EU đối thoại với ông Trump - viết trên X: “Italy sẽ luôn cam kết thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và châu Âu, như một trụ cột thiết yếu cho sự ổn định và phát triển của cộng đồng chúng ta”.
Một số lãnh đạo đảng cực hữu, trong đó có các đảng của Bỉ, Đức, Tây Ban Nha và Pháp cũng tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Các đảng này có thể muốn ông Trump làm suy yếu EU, cho phép mỗi quốc gia trong khối có quyền kiểm soát lớn hơn và đảo ngược các chính sách về cắt giảm khí thải carbon và kiểm soát ngôn luận trên Internet.
Thủ tướng cực hữu Viktor Orban của Hungary cho rằng sự trở lại của ông Trump sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc trên toàn EU. “Theo đây, tôi khởi động giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công nhằm chiếm lấy Brussels”, ông Orban phát biểu ngày 20/1.
Các chính trị gia châu Âu khác đang tìm cách liên kết với tân Tổng thống Mỹ bao gồm Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda - người đã nói với báo giới ngay trước khi khởi hành đến chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos: “Tôi không nghi ngờ gì về mối quan hệ tốt đẹp của mình với Tổng thống Donald Trump và tôi không cần phải đứng trong đám đông ở Washington để chứng minh cho mối quan hệ tốt đẹp này”.
MỐI LO KINH TẾ, QUỐC PHÒNG
Trong khi đó, ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của EU - ông Valdis Dombrovskis - gửi lời nhắc nhở tới ông Trump rằng “EU và Mỹ có mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới. Có rất nhiều thứ đang đứng trước rủi ro về mặt kinh tế”. Ông cảnh báo rằng nếu thuế quan Mỹ được áp lên hàng hóa châu Âu, EU sẵn sàng trả đũa bằng các biện pháp của riêng mình, giống như họ đã làm trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Trump. “Nếu cần bảo vệ lợi ích kinh tế của châu Âu, chúng tôi sẵn sàng làm như vậy”, ông Dombrovski nói.
Ông Trump cũng đã nói với châu Âu rằng họ phải chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và đề xuất nâng mức đóng góp vào ngân sách của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên 5% GDP. Một số thành viên trong liên minh hiện vẫn đang đóng góp ít hơn mức mục tiêu 2% GDP.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 20/1 cam kết liên minh sẽ tăng chi tiêu quân sự trong nhiệm kỳ này của ông Trump. Ông Rutte viết trên X: “Với việc Tổng thống Trump trở lại cầm quyền, chúng tôi sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng và sản xuất quốc phòng”.
Tuy nhiên, EU đang bất đồng về nguồn ngân sách cho việc tăng chi tiêu quốc phòng. Ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ và là Chủ tịch nhóm vận động ủng hộ EU có tên European Movement International, đã tuyên bố trên X rằng khối này “hoàn toàn chưa chuẩn bị cho thế giới mới này”.
“Chào mừng đến với kỷ nguyên mới… nơi các thành viên tỷ phú ở Mar-a-Lago quyết định chính sách của Mỹ. Thử đoán xem? Bảo vệ EU hoặc mức sống của người châu Âu không nằm trong danh sách ưu tiên của họ!” ông Verhofstadt viết.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp ở EU cũng đang chuẩn bị tinh thần cho 4 năm tới. Một cuộc khảo sát của AmCham EU, tổ chức đại diện cho các công ty Mỹ hoạt động tại EU, cho biết 9/10 người được hỏi dự báo rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU và Mỹ sẽ xấu đi. Khoảng 2/3 dự kiến các chính sách của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động của họ ở EU.