Theo thông báo từ Nhà Trắng ngày 20/1, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, quốc gia có mức phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sẽ rút khỏi các nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Thông báo này được đưa ra ngay sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức và cho thấy sự hoài nghi của tân Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu.
“Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (UN) sẽ lập tức nộp văn bản thông báo chính thức về việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”, theo sắc lệnh hành pháp có tiêu đề: “Đặt nước Mỹ lên trên các thỏa thuận môi trường quốc tế” do ông Trump ban hành vào buổi tối ngày 20/1 theo giờ Mỹ.
“Những năm gần đây, Mỹ đã tham gia các thỏa thuận và sáng kiến quốc tế không phản ánh giá trị hoặc đóng góp của nước Mỹ khi theo đuổi các mục tiêu kinh tế và môi trường”, sắc lệnh nêu rõ.
Đây là lần thứ hai Mỹ rút lại các cam kết theo Hiệp định Paris – một thỏa thuận toàn cầu hướng tới mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức chỉ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Lần rút khỏi hiệp định trước đó được thực hiện vào năm 2017, ngay đầu nhiệm kỳ trước của ông Trump. Quyết định này sau đó bị Tổng thống kế nhiệm Joe Biden đảo ngược. Hiệp định Paris có sự tham gia của gần 200 quốc gia trên thế giới và có hiệu lực vào năm 2016.
Thông báo trên của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh thành phố Los Angeles đang trải qua thảm họa cháy rừng khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD.
Bà Frances Colon, thành viên cấp cao của bộ phận khí hậu quốc tế tại tổ chức nghiên cứu Center for American Progress, nhận xét quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris là “một sai lầm nghiêm trọng”.
"Hành động liều lĩnh này sẽ làm suy yếu các liên minh của nước Mỹ, nhường đất cho các đối thủ địa chính trị của chúng ta và gây nguy hiểm cho sự an toàn, sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân Mỹ. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, Mỹ phải trở thành một phần của cuộc giải phóng chứ không nên tự cô lập để phục vụ các lợi ích đặc biệt hay lợi ích trong ngắn hạn”, bà Colon phát biểu.
Nhà Trắng cũng cho biết chính quyền Trump sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng” để thúc đẩy hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch, khai khoáng và chế biến khoáng sản. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ hiện là nước sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn nhất thế giới.
"Chúng ta sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc khoan dầu. Chúng ta sẽ trở lại là một đất nước hùng mạnh và lớp vàng lỏng ngay dưới lòng đất này sẽ giúp chúng ta làm điều đó", ông Trump phát biểu trong lễ nhậm chức.
Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Trump đã bắt đầu hành động bằng việc bãi bỏ biên bản ghi nhớ của ông Biden vào năm 2023 về việc cấm khoan dầu trên diện tích gần 65.000 km2 ở Bắc Cực.
“Việc Tổng thống Trump tập trung giảm các rào cản pháp lý, tăng sản lượng sản xuất trong nước và nâng cao sự độc lập về năng lượng sẽ đảm bảo cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ”, ông Tim Tarpley, chủ tịch Hội đồng công nghệ và lực lượng lao động năng lượng – một tổ chức thương mại hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghệ, nhận định. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ để xây dựng các chính sách ưu tiên sự đổi mới sáng tạo và củng cố vai trò quan trọng của lĩnh vực dầu khí đối với sự thịnh vượng của đất nước”.
Ngoài sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, ông Trump cũng thu hồi sắc lệnh hành pháp của ông Biden về mục tiêu 50% doanh số xe mới vào năm 2030 tại Mỹ phải là xe điện.
Theo NBC News, các sắc lệnh khác mà ông Trump dự kiến ký sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất năng lượng của Mỹ. Ngoài ra, tân Tổng thống được dự báo sẽ cho phép tăng cường hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và trên đất liền của Mỹ, đồng thời chấm dứt lệnh đóng băng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang các nước không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Ông Trump cũng dự kiến cắt các khoản tài trợ liên quan đến khí hậu theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do ông Biden ký ban hành.