Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/12), với chỉ số S&P 500 nhích gần hơn tới mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại. Giá dầu giảm mạnh sau mấy phiên tăng liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục theo dõi những diễn biến ở Biển Đỏ.
Chốt phiên, S&P 500 tăng 0,14%, đạt 4.781,58 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 111,19 điểm, tương đương tăng 0,3%, đạt 37.656,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,16%, đạt 15.099,18 điểm.
Đây là mức đóng cửa cao kỷ lục mới của Dow Jones, trong khi S&P 500 chỉ còn cách chưa đầy 0,5% là tái lập đỉnh cao chốt phiên mọi thời đại 4.796,56 điểm thiết lập vào tháng 1/2022. Cùng vời Dow Jones và Nasdaq, S&P 500 đang ở tuần tăng thứ 8 liên tiếp - chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ năm 2017.
“Thị trường muốn làm xong việc này trước khi kết thúc năm cũ. Đây là một nỗ lực quá mức, nhưng một khi mức kỷ lục mới được thiết lập, thị trường sẽ dễ chuyển sang trạng thái đi ngang sau đỉnh”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA nhận định với hãng tin CNBC.
Năm 2023 là một năm thành công của chứng khoán Mỹ, dù có những thời điểm mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực giảm mạnh lên thị trường. Dow Jones và S&P 500 đã tăng tương ứng 13% và 24% từ đầu năm.
Nasdaq vượt trội với mức tăng 44%, khi các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn giữ vị trí dẫn dắt thị trường và giới đầu tư “phát cuồng” với cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI). Với thành quả này, Nasdaq đang trên đà hoàn tất năm tăng mạnh nhất kể từ 2003 - năm mà chỉ số tăng 50%.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang hưởng “Santa Claus rally” - tạm dịch: “Đợt tăng điểm mùa Giáng sinh” - giai đoạn gồm 5 phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ và 2 phiên đầu tiên của năm mới. Bình quân, S&P 500 đã tăng 1,3% trong khoảng thời gian này hàng năm - theo dữ liệu được ghi lại từ năm 1950 trong cuốn Stock Trader’s Almanac.
Dù thị trường đang lạc quan, nhiều người ở Phố Wall lo ngại rằng mức độ lạc quan có thể là thái quá, có nguy cơ dẫn tới thất vọng nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất muộn hơn dự báo - theo ông Stovall. Dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME cho thấy thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng hơn 80% Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3.
“Kỳ vọng đang rất cao ở thời điểm này. Điều đó luôn khiến tôi cảm thấy lo lắng vì có thể mở đường có một sự thất vọng nào đó. Fed vẫn không muốn lặp lại những sai lầm mà họ đã phạm phải trong thập niên 1970”, chiến lược gia Julie Biel của công ty Kayne Anderson Rudnick nhận định.
Ông Stovall cũng lưu ý rằng 90% số cổ phiếu thành viên của S&P 500 đang giao dịch trên ngưỡng bình quân 50 ngày - dấu hiệu của “một chút bong bóng” trên thị trường. Ông nhận định sự hưng phấn thái quá có thể đặt nhà đầu tư trước rủi ro biến động khi xảy ra những sư kiện bất ngờ.
Giới đầu tư toàn cầu cung chung tâm trạng lạc quan vì kỳ vọng lãi suất giảm. Nhờ đó, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,46% trong phiên ngày thứ Tư, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,46 USD/thùng, tương đương giảm 1,93%, còn 74,11 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 1,42 USD/thùng, tương đương giảm 1,75%, còn 79,65 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi hãng vận tải biển khổng lồ của Đan Mạch Maersk cho biết sẽ nối lại hành trình đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ của nhiều tàu container trong mấy tuần tới, sau khi tạm dừng việc đi qua tuyến vận tải biển huyết mạch này trong tháng 12 do lo ngại các vụ tấn công của lực lượng Houthi.
Hãng CMA CGM của Pháp cũng tuyên bố nối lại việc di chuyển qua Biển Đỏ sau khi một lực lượng đa quốc gia với nhiệm vụ bảo vệ tàu bè được triển khai tới khu vực.
Gần đây, giá dầu tăng mạnh vì thị trường lo ngại việc dừng các chuyến tàu chở hàng qua Biển Đỏ vì mối lo an ninh sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu.
“Tôi cho rằng chúng ta nên chờ xem liệu hoạt động tuần tra gia tăng và việc thay đổi hải trình có dẫn tới việc giảm các cuộc tấn công hay không”, chuyên gia Callum Macpherson của công ty Investec nhận định với hãng tin Reuters.
Giá dầu hiện đang đối mặc với áp lực giảm do triển vọng nguồn cung tăng nhiều hơn so với nhu cầu trong năm tới.
Giới chuyên gia cho rằng sản lượng dầu của Nga - nước sản xuất dầu thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia - sẽ đi ngang hoặc thậm chí tăng trong năm tới vì Moscow về cơ bản “né” được các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đang ở mức kỷ lục, còn triển vọng kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - tiếp tục ảm đạm.