Chiều 13/10/2021, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) Houlin Zhao. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của ông Houlin Zhao với tư cách là Tổng thư ký ITU trong gần 2 nhiệm kỳ, đồng thời cảm ơn ông đã dành cho Việt Nam vinh dự hai lần liên tiếp tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số.
"Việt Nam đang thực hiện giải pháp để thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất một số sáng kiến với Tổng thư ký ITU. Cụ thể, sáng kiến mỗi quốc gia thành viên ITU nhận lấy 1 sáng kiến (của chính quốc gia đó hoặc theo gợi ý của ITU) và thực hiện sáng kiến đó bằng nguồn lực của mình. Khi thành công thì ITU sẽ phổ biến ra toàn cầu. Như vậy, ITU sẽ huy động được thêm nguồn lực của 193 quốc gia nữa. “Nếu 193 quốc gia thành viên mỗi năm có 1 sáng kiến thành công thì ITU sẽ có 193 sáng kiến vĩ đại. Đây là sự thay đổi rất lớn.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Việt Nam đang thực hiện giải pháp để thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện sáng kiến này vào năm 2022 và nếu thành công sẽ chia sẻ với ITU.
Một sáng kiến nữa được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất đó là lịch trình kiến tắt sóng 2G vào năm 2023. Theo ước tính, vào đầu 2023 số lượng các khách hàng dùng thiết bị cầm tay 2G ở vào dưới 5%. Theo đó, Chính phủ và các nhà mạng sẽ mua thiết bị 4G để 5% người dân thay thế cho 2G.
Ông Houlin Zhao đánh giá cao chỉ số xếp hạng của Việt Nam về tiếp cận công nghệ. Theo thống kê của ITU, chỉ số tăng lên đáng kể. Tổng thư ký ITU cho rằng Việt Nam không chỉ đi theo lối mòn về phát triển là mua công nghệ, dịch vụ của các công ty lớn mà đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm “Made in Viet Nam”.
“Ngoài ra, Việt Nam cũng đã vươn ra phát triển tại thị trường nước ngoài, sử dụng thiết bị công nghệ do Việt Nam sản xuất. Đây là điều tôi muốn các thành viên của ITU khác học hỏi Việt Nam bởi các bạn không chỉ đầu tư thành công”, Tổng thư ký ITU cho biết.
Chẳng hạn như Viettel dù đầu tư và gia nhập sau tại Myanmar nhưng đã nhanh chóng vươn lên thành nhà cung cấp số 1 tại quốc gia này. Việt Nam cũng lựa chọn con đường đi đúng đắn khi tự chủ công nghệ. Ông cũng cho biết, các thành tựu của Việt Nam cũng vượt ngoài khu vực Đông Nam Á và có thể so sánh với các quốc gia khác khi có tới hơn 10 thị trường nước ngoài.