November 06, 2023 | 14:24 GMT+7

Chính thức phê duyệt dự án phát triển các hành lang ven biển phía Nam, xóa điểm nghẽn giao thông thủy nội địa

Xuân Nghi -

Dự án nâng cấp hành lang ven biển và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng vừa chính thức được Bộ Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt...

Dự án sẽ đầu tư 168,795 triệu USD (tương đương hơn 3.900 tỷ đồng) để phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam.
Dự án sẽ đầu tư 168,795 triệu USD (tương đương hơn 3.900 tỷ đồng) để phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam.

Dự án nâng cấp, phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, vừa được Bộ Giao thông vận tải ký quyết định phê duyệt vào ngày 03/11/2023.

Dự án nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn và tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải đông - tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải bắc - nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Dự án có tổng mức đầu tư 168,795 triệu USD, tương đương hơn 3.901,377 tỷ đồng, sử dụng vốn vay WB và tài trợ từ Chính phủ Úc. Cụ thể, cơ cấu vốn được phân bổ như sau: Dự kiến vốn vay của WB là 107,273 triệu USD, tương đương hơn 2.479,417 tỷ đồng; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc dự kiến là 0,582 triện USD, khoảng 13,451 tỷ đồng; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 1.408,509 tỷ đồng, tương đương 60,94 triệu USD.

Dự án được triển khai thực hiện 5 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn, từ năm 2023 đến hết năm 2027, và là dự án quan trọng và cấp bách (dự án nhóm A) của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành nạo vét, cải tạo tuyến luồng đường thủy nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trên hành lang đông - tây có tổng chiều dài 197 km qua sông Hậu (TP. Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp tại ngã ba các sông Soài Rạp - Nhà Bè - Lòng Tàu (TP.HCM).

Hành lang đông - tây dài 197 km sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24 h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông. Mục tiêu nhằm kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa gạo lớn nhất cả nước; khối lượng hàng hóa từ các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, rau quả, thủy hải sản cần vận chuyển liên vùng đến các cảng biển đầu mối nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu.

Tuyến hành lang bắc - nam (có  chiều dài 82 km) sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn nhằm phát huy lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong chuỗi logistics khu vực phía Nam. Mục tiêu của dự án nhằm giải quyết điểm nghẽn vận tải thủy qua các sông Đồng Nai (tại cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Sau khi hoàn thành, các hàng lang vận tải đông - tây và bắc - nam tại khu vực phía Nam bảo đảm năng lực lưu thông cho các loại tàu cỡ lớn, tàu container vận chuyển hàng hóa…

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý các Dự án đường thủy, chủ đầu tư, có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để chỉ đạo tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ cự án theo đúng quy định. Đồng thời Bộ này cũng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để chuẩn bị, triển khai thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn cho dự án làm cơ sở thực hiện đầu tư.

Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate