Trên đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại hội nghị trực tuyến "Triển khai công tác phòng chống, đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021 -2022 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ”, ngày 14/12/2021,
THỜI TIẾT KHẮC NGHIỆT ĐE DỌA ĐÀN VẬT NUÔI
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bệnh viêm da nổi cục, tổng đàn trâu bò trong cả nước vẫn tương đối ổn định, trong đó đàn bò đạt 6,3 triệu con tăng nhẹ so với năm 2020.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ có thế mạnh về điều kiện tự nhiên chăn thả rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt vào mùa rét khi nhiệt độ giảm sâu và thức ăn thô xanh khan hiếm.
Theo rà soát của Cục Chăn nuôi, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. trâu: 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triêu con; đàn ngựa 49,58 nghìn con; đàn dê: 2,65 triệu con chiếm tỷ lệ lần lượt là 81,08%; 36,61%; 97,32% và 44,03% tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê của cả nước.
“Rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé non ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn”, ông Tống Xuân Chinh nhận định.
TS Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chủ trì và quản lý 27 dự án, trong đó có 9 dự án về đại gia súc. Trong đó, có 3 dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò tại các địa phương.
Đó là, Dự án "Xây dựng mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu bò ở các tỉnh miền núi phía Bắc" tại địa bàn Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang. Dự án đã triển khai trồng 45ha cỏ thâm canh với 127 hộ, năng suất cỏ đạt 204,1-224,7 tấn/ha/4 lứa.
Dự án thứ 2 là "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung tại địa bàn Nghệ An, Hòa Bình; triển khai trồng 9ha cỏ; chế biến 40 tấn thức ăn ủ chua.
Dự án thứ 3 là "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ, thích ứng với biến đổi khí hậu" triển khai ở Ninh Thuận trồng 5 ha cỏ; 30 hộ tham gia chế biến 25 tấn thức ăn.
Các dự án đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật thâm canh cỏ, kỹ thuật chế biến và bảo quan các phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô đã thu bắp và dây lang, thân và lá lạc...), đơn giản, dễ kiếm, không cạnh tranh lương thực với con người và vật nuôi khác.
Đặc biệt, khi mùa đông ở các tỉnh miền Bắc nước ta thức ăn thô xanh thường khan hiếm thì ủ chua, dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh ngay từ thời điểm thu hoạch chính trước đó đã giúp người chăn nuôi chủ động được trong mùa rét, không cần chăn thả.
ĐẢM BẢO BA YẾU TỐ PHÒNG CHỐNG ĐÓI RÉT
“Thông qua hoạt động tuyên truyền và đào tạo huấn luyện, các hộ đã nhận thức rõ được hiệu quả của việc chế biến và bảo quản dự trữ thức ăn trong mùa đông, từ đó đã nâng tỷ lệ hộ thường xuyên dự trữ thức ăn vào mùa rét từ 12,29% lên 91,36% và tỷ lệ hộ hạn chế chăn thả gia súc trong mùa giá rét từ 11,86% lên 91,76%", bà Hương chia sẻ.
Theo bà Hương, bên cạnh việc triển khai các dự án hỗ trợ cung cấp thức ăn cho vật nuôi, các dự án khuyến nông Trung ương còn tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng trại bảo đảm quy cách và tập trung cho việc chống rét trong vụ Đông.
Đến nay, 100% các hộ tham gia mô hình đã hoàn thành việc làm chuồng theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và được nghiệm thu; đảm bảo có mái che mưa, che nắng; có văng chuồng; nền chuồng xây bằng gạch, có láng xi măng; các hộ làm máng ăn cố định tại chuồng bằng xi măng hoặc làm máng ăn di động bằng gỗ.
“Trong xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi đại gia súc, cán bộ kỹ thuật còn đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng các bệnh hay gặp và nguy hiểm đối với trâu, bò như tụ huyết trùng, lở mồm long móng và khuyến cáo các hộ tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên, tập trung vào 2 đợt tháng 3-4 và tháng 9-10 hàng năm”, bà Hương thông tin.
Lưu ý các địa phương cần đảm bảo 3 yếu tố để phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, gồm: không để thiếu hụt cán bộ thú y, đảm bảo thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi; và nâng cao hoạt động cảnh báo thời tiết xấu.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các dự án, mô hình phòng, chống đói rét cho gia súc gia cầm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua, đồng thời cho rằng để giữ được đà chăn nuôi tăng trưởng 4% cho năm sau phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ Đông Xuân này.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, hộ bị thiệt hại do bão lũ vừa qua để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi. Đồng thời, cần phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc của các địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô như: rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua…
“Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C cần tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do. Đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát. Củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh