January 28, 2023 | 07:00 GMT+7

Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng nhờ lạc quan kinh tế, giá dầu giảm do triển vọng nguồn cung tăng

Bình Minh -

Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ đã cho thấy những nỗ lực đảo ngược xu hướng bán tháo của năm 2022...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 27/1 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 27/1 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/1), hoàn tất một tuần đi lên nhờ số liệu tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự báo và sự bùng nổ của cổ phiếu Tesla. Giá dầu giảm trong phiên này, khép lại một tuần giảm hoặc đi ngang, do dấu hiệu tích cực về nguồn cung dầu Nga.

Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 0,95%, đạt 11.621,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,25%, đạt 4.070,56 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 28,67 điểm, tương đương tăng 0,08%, đạt 33.978,08 điểm.

Cả ba chỉ số cùng tăng trong tuần này và đang tiến tới hoàn tất tháng 1 với thành quả tăng ấn tượng. Nasdaq dẫn đầu với mức tăng 4,32% trong tuần này - tuần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số. Nếu kết quả này được giữ vững, tháng 1 sẽ là tháng tăng mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 7. S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng 2,47% và 1,81% trong tuần. Hai chỉ số này đã tăng 3 tuần trong 4 tuần trở lại đây.

Mùa báo cáo tài chính quý 4/2022 vẫn đang diễn ra ở Phố Wall. Phiên ngày thứ Sáu chứng kiến giá cổ phiếu hãng thẻ American Express tăng 10,5% nhờ dự báo khả quan, cho dù hãng không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư về cả doanh thu và lợi nhuận quý 4. Một số cổ phiếu con chip tăng, bất chấp Intel giảm hơn 6% vì báo cáo tài chính ảm đạm, không đạt kỳ vọng.

Ấn tượng nhất là cổ phiếu Tesla với mức tăng 11% phiên này, nâng mức tăng cả tuần lên hơn 33%, sau khi hãng xe điện công bố doanh thu kỷ lục. Đây là tuần tăng mạnh nhất của cổ phiếu Tesla kể từ tháng 5/2013.

Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ đã cho thấy những nỗ lực đảo ngược xu hướng bán tháo của năm 2022. Dow Jones hiện đã tăng 2,5%; S&P 500 đã tăng 6%; và Nasdaq tăng 11%.

“Chúng ta đang hoàn thiện nốt một tháng Giêng cực kỳ mạnh nhờ lạm phát giảm xuống mà một nền kinh tế trụ vững. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Vấn đề còn là cuộc họp của Fed vào tuần tới, và Fed có thể dội gáo nước lạnh vào đợt phục hồi này của thị trường”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group nhận định.

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý 4 tăng 2,9%, tốt hơn mức dự báo tăng 2,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo.

Những số liệu này tiếp tục “nuôi dưỡng” kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ thành công trong việc đưa nền kinh tế hạ cánh mềm. Thị trường sẽ còn đón nhận một số dữ liệu kinh tế khác trước khi Fed bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2023 vào ngày 31/1-1/2.

“Thị trường đã có thêm một tuần tăng điểm để tiến tới khép lại một tháng tăng lịch sử. Đây là sự thừa nhận rằng lạm phát tiếp tục giảm nhanh và điều đó giúp giải toả nhiều nỗi lo về nền kinh tế”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Carson Group nhận định với hãng tin Reuters.

“Số liệu PCE là sự tiếp nối xu hướng của các dữ liệu lạm phát gần đây, phản ánh sự cải thiện tiếp tục của chuỗi cung ứng và mở ra cánh cửa để Fed chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh tay này”, ông Detrick nói thêm.

Tăng điểm là xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số MSCI All Country World Index tăng 0,31% và chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu tăng 0,26%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đạt mức cao nhất 9 tháng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,81 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 86,66 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tạin New York giảm 1,33 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 79,68 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu Brent chỉ tăng 0,03 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 2%.

Một phân tích của Reuters cho thấy lượng dầu lên tàu từ các hải cảng của Nga trên biển Baltic trong tháng 1 này sẽ tăng 50% so với tháng 12 do các nhà xuất khẩu dầu Nga cố gắng đáp ứng nhu cầu đang mạnh ở khu vực châu Á và hưởng lợi từ sự khởi sắc của giá dầu toàn cầu.

“Nếu nguồn cung dầu Nga tiếp tục mạnh trong tháng tới, giá dầu có thể sẽ rơi vào xu hướng giảm”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Giới đầu tư trên thị trường dầu lửa đang chờ cuộc họp của Fed và cuộc họp của nhóm OPEC+ vào tuần tới. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Hiện tại, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Dữ liệu của nước này cho thấy số ca bệnh Covid-19 thể nặng đã giảm 72% so với mức đỉnh thiết lập vào đầu tháng, trong khi số ca tử vong do Covid tại bệnh viện đã giảm 79% so với đỉnh. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần bình thường trở lại, mở ra triển vọng tích cực cho nhu cầu tiêu thụ dầu.

Trên thị trường tiền ảo, giá đồng Bitcoin tiếp tục dao động quanh ngưỡng 23.000 USD. Dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com cho thấy thị trường tiền ảo toàn cầu hiện có 22.368 đồng tiền ảo, 537 sàn giao dịch, và vốn hoá hơn 1.051 tỷ USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate