February 24, 2023 | 07:55 GMT+7

Chứng khoán Mỹ hồi phục trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu tăng 2%

Bình Minh -

Đè nặng lên tâm lý thị trường phiên này vẫn là mối lo về những đợt tăng lãi suất tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh những tín hiệu kinh tế trái chiều...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/2), khi nhà đầu tư chờ một báo cáo lạm phát quan trọng sắp được công bố. Mối lo về nguồn cung thắt chặt giúp giá dầu tăng 2% sau mấy phiên giảm liên tiếp, nhưng rủi ro về nhu cầu vẫn gây tâm lý thận trọng.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,53%, đạt 4.012,32 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 108,82 điểm, tương đương tăng 0,33%, chốt ở 33.153,91 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,72%, đạt 11.590,4 điểm.

Dù vậy, cả ba chỉ số cùng tiến tới hoàn tất một tuần giảm điểm. S&P 500 đã giảm 1,64% trong 4 phiên giao dịch đầu tiên của tuần và nhiều khả năng đây sẽ là tuần giảm điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 16/12. Dow Jones đã mất 1,99% điểm số và sắp sửa hoàn thành tuần giảm thứ tư liên tiếp. Nasdaq giảm 1,67% và đây có thể sẽ là tuần giảm thứ hai của chỉ số này trong 3 tuần trở lại đây.

Đè nặng lên tâm lý thị trường phiên này vẫn là mối lo về những đợt tăng lãi suất tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh những tín hiệu kinh tế trái chiều. Dù lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao, người tiêu dùng Mỹ tiếp tục cho thấy sự vững vàng trong chi tiêu và điều này khiến cho việc khống chế lạm phát trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Fed.

“Chúng tôi vẫn đang đánh giá xem tiêu dùng sẽ đi theo chiều hướng nào trong thời gian còn lại của năm, và cả tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp nữa. Và tôi cho rằng thị trường đang lạc quan thái quá”, chuyên gia Liz Young của SoFi nói với hãng tin CNBC.

Phố Wall đang chờ Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu, để biết thêm về tình trạng của người tiêu dùng - lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Mỹ và giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định lạm phát sẽ đi theo hướng nào. Chỉ số này là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn chỉ số giá tiêu dùng (PCE).

Ngoài ra, được công bố ngày thứ Sáu còn có các số liệu về thu nhập cá nhân và tiêu dùng cá nhân. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, thu nhập cá nhân của người Mỹ được dự báo tăng 1,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 0,2% trong tháng 12. Chi tiêu được dự báo tăng 1,4%, từ mức tăng 0,2% của tháng trước. Nếu mức tăng thực tế vượt dự báo, khả năng Fed duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn lâu hơn sẽ được củng cố, gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.

Dù chứng khoán Mỹ tăng điểm, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn giảm phiên này, với chỉ số MSCI đo thị trường 50 quốc gia giảm 0,27%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chỉ tăng 0,06%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,61 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 82,21 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 75,39 USD/thùng, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Cách đây 1 năm, khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, giá dầu Brent ở mức 98 USD/thùng. So với thời điểm đó, giá dầu hiện giảm hơn 16%.

Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt lại khi Nga thực hiện kế hoạch giảm sản lượng từ tháng tới. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá và số liệu cho thấy lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng gây áp lực giảm lên giá dầu.

Trong một động thái gây bất ngờ, Nga cho biết sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu 625.000 thùng/ngày trong tháng 3 - mức cắt giảm tăng 25% so với kế hoạch ban đầu là giảm 500.000 thùng/ngày.

Một báo cáo của ngân hàng UBS nói rằng trong ngắn hạn, giá dầu tiếp tục chịu sức ép giảm từ xu hướng tăng giá của đồng USD, nhưng việc Nga giảm sản lượng dầu và Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ dẫn tới tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu, từ đó hỗ trợ giá dầu.

Đồng USD có phiên tăng thứ ba liên tiếp, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 104,6 điểm, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên hơn 1%.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 17/2 tăng 7,6 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 2,1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.

“Với sức ép đến từ Fed đối với nhu cầu, cộng thêm thời tiết ấm lên ở Mỹ và châu Âu, vấn đề nhu cầu tiêu thụ dầu là đáng lo”, nhà phân tích Tony Headrick thuộc CHS Hedging nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate