Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,2%; chỉ số S&P 500 tăng 0,48%; và chỉ số Nasdaq tăng 0,22%.
Theo dự báo, trong lần họp này, Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và công bố kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán hiện có quy mô gần 9 nghìn tỷ USD với tốc độ 95 tỷ USD mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 6.
Giới phân tích và đầu tư đang kỳ vọng Fed gia tăng sự cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát. Trong cuộc khảo sát Fed Survey của CNBC, phần đông các nhà dự báo tham gia cho rằng Fed sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm nữa trong tháng 6. Phần đông cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ở cuối chu kỳ thắt chặt này của Fed.
Ở Phố Wall, thậm chí đã xuất hiện những dự báo cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6.
“Thị trường đang kỳ vọng rằng trong vòng 2 năm tới, lạm phát sẽ chỉ giảm về mức trước đại dịch nếu Fed thắt chặt một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi cho rằng hoặc Fed sẽ phải thắt chặt nhiều hơn dự kiến để đưa lạm phát về mục tiêu mà họ đã đề ra, hoặc lạm phát sẽ cao hơn dự kiến”, chiến lược gia trưởng Rebecca Patterson của Bridgewater nhận định.
Đến phiên này, chứng khoán Mỹ đã tăng trong hai phiên liên tiếp đầu tháng 5, sau đợt bán tháo mạnh mẽ của tháng 4 mà công nghệ là nhóm bị bán mạnh nhất, khiến chỉ số Nasdaq có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Dow Jones và S&P 500 cũng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
“Nếu dự báo cho rằng ‘suy thoái kinh tế sẽ không sớm xảy ra’ của chúng tôi là đúng, thị trường có thể tiếp tục xu hướng mà chúng ta đã chứng kiến từ đầu năm đến nay: giá cổ phiếu tiếp tục giảm xuống thấp hơn, rồi phục hồi ít nhất một phần chừng nào suy thoái còn chưa đến. Trong khi đó, lãi suất và giá hàng hoá cơ bản tiếp tục đi lên theo thời gian”, chuyên gia kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs nhận định.
S&P 500 hiện đang ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh, giảm khoảng 12,4% từ đầu năm đến nay. Nhà phân tích Ryan Detrick của LPL Financial nói rằng đợt điều chỉnh hiện tại của thị trường có quy mô và mức độ tương tự như những đợt điều chỉnh trước đây kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,76 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, chốt ở 102,41 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,61 USD/thùng, tương đương giảm 22,4%, còn 104,97 USD/thùng.
Dầu giảm giá khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm mới ở Bắc Kinh tăng lên, dù còn ở mức thấp nhưng cũng khiến chính quyền thành phố phải triển khai các biện pháp như đóng cửa phòng gym và nhà hàng, đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động… Mối lo về việc Bắc Kinh có thể phải phong toả như Thượng Hải và các hạn chế kéo dài ở Thượng Hải đang đặt ra rủi ro giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Giá dầu giảm vì Bắc Kinh siết chặt các biện pháp chống Covid và dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy dòng dầu xuất khẩu từ Nga tăng lên. Các nhà giao dịch năng lượng không cho rằng EU có thể thẳng tay cấm vận dầu Nga”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận xét.
Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn đang thảo luận việc cấm vấn dầu Nga. Tuần trước, Đức có vẻ đã từ bỏ sự phản đối của nước này đối với lệnh cấm như vậy. Giới chức Đức đã tỏ quan điểm rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẵn sàng tìm biện pháp để thay thế nguồn cung dầu từ Nga trong những tháng tới.
Theo nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management, một lệnh cấm vận đối với dầu Nga “có thể đơn giản, nhưng đi vào chi tiết sẽ phức tạp và có thể đặt ra trở ngại đối với việc làm thế nào để ‘cai’ dầu Nga mà không khiến giá dầu thế giới tăng vọt”.
“Cũng may là mùa cao điểm của nhu cầu dầu để sưởi ấm đã qua, nhưng điều đó không có nghĩa là sự hao hụt nguồn cung dầu từ Nga được giải quyết. EU sẽ phải thận trọng trong vấn đề cấm vận dầu Nga và hy vọng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ quay trở lại mức trước đại dịch, cũng như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ít nhất khai thác dầu đủ hạn ngạch, để bù đắp một phần sự thiếu hụt”, ông Innes nói.