Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/10), khi giá dầu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng cao gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Giá dầu tăng do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục nóng, còn lợi suất đi lên do thị trường không còn đặt cược vào mức giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 298,51 điểm, tương đương giảm 0,94%, còn 41.954,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,96%, còn 5.695,94 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,18%, còn 17.923,9 điểm.
Giá dầu tăng gần 4%, với giá dầu tại thị trường London đóng cửa trên mức 80 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản, đạt 4,02%. Đây là lần đầu tiên lợi suất của kỳ hạn này vượt 4% kể từ ngày 8/8.
Tất cả những diễn biến này gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên đầu tuần. Trước đó, thị trường đã trải qua một tuần nhiều trồi sụt và hoàn tất tuần giao dịch với mức tăng khiêm tốn. S&P 500 đã tăng 0,2% trong tuần vừa rồi, trong khi Nasdaq và Dow Jones tăng 0,1% mỗi chỉ số.
“Thị trường vừa trải qua một tuần được cứu vãn bởi bản báo cáo việc làm khả quan hôm thứ Sáu. Có hai điều mà tôi cho là nhà đầu tư đang dõi theo với mức độ thận trọng cao nhất, đó là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng trở lại và giá dầu cũng leo thang”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth nhận định với hãng tin CNBC.
“Nhà đầu tư đang nhìn vào những yếu tố này và đặt câu hỏi liệu tình hình có trở nên tệ hơn trước khi tốt lên hay không? Tôi cho rằng câu trả lời là không. Nhưng trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh, nhà đầu tư chắc chắn có lý do để thận trọng”, ông Hogan nói.
Về tình hình Trung Đông, Hezbollah bắn rocket vào các mục tiêu ở Haifa, thành phố lớn thứ ba ở Israel, trong khi lực lượng Israel chuẩn bị mở rộng chiến dịch trên bộ nhằm vào khu vực miền Nam của Lebanon trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas ở dải Gaza tròn 1 năm. Giới quan sát vẫn đang chờ xem liệu Israel có tiến hành một cuộc tấn công trả đũa cuộc không kích của Iran nhằm vào nước này hồi tuần trước.
Về triển vọng lãi suất Fed, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 86% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, và khả năng gần 14% cho việc Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75-5%. Khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới là không còn - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Mới vào cuối tuần vừa rồi, thị trường còn đặt cược 100% Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
“Thị trường đã dịch chuyển rất nhanh từ chỗ kỳ vọng vào mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm sang tính đến khả năng Fed không hạ lãi suất vào tháng 11, chỉ vì số liệu kinh tế mạnh lên. Hiếm khi họ từ bỏ kỳ vọng vào việc giảm thêm lãi suất ngay sau khi Fed vừa giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm như vậy”, chiến lược gia Gennadiy Goldberg của công ty TD Securities nói với hãng tin Reuters.
Với mức tăng khoảng 0,4%, cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất trong số 11 nhóm cổ phiều ngành chính của S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh. Mức giảm mạnh nhất, khoảng 2%, được ghi nhận ở các nhóm tiện ích và tiêu dùng không thiết yếu.
Tuần này, những thông tin kinh tế Mỹ quan trọng dự kiến được công bố bao gồm biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed dự kiến công bố vào ngày thứ Ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 công bố vào ngày thứ Năm, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu. Mùa báo cáo tài chính quý 2 cũng đang khởi động, với kết quả từ một số cái tên lớn như Delta Air Lines và JPMorgan Chase cũng sẽ được công bố trong tuần.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,88 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 80,93 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,76 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 77,14 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent tăng hơn 8% và giá dầu WTI tăng hơn 9%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm.
Theo Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates, nếu Israel tấn công hạ tầng dầu khí của Iran, giá dầu có thể tăng thêm 3-5 USD/thùng.
“Đang có một mối lo rằng nếu xung đột tiếp tục leo thang, thì không chỉ sản lượng dầu 3,4 triệu thùng/ngày của Iran bị đặt vào thế rủi ro, mà nguồn cung dầu của toàn khu vực có thể cũng gián đoạn”, một báo cáo của công ty Tudor, Pickering, Holt & Co nhận định.
Còn theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS, phiên tăng ngày thứ Hai của giá dầu còn có thể do các nhà quản lý quỹ mua vào để đóng trạng thái bán khống. “Bắt đầu từ tuần trước, nhiều quỹ đã phải đóng trạng thái bán khống và việc này vẫn đang tiếp tục. Tâm lý của thị trường bây giờ là mua đã rồi nghĩ sau”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận xét.
Tuy nhiên, ông Kilduff cũng cảnh báo rằng việc giá dầu tăng mạnh do mối lo sợ về Trung Đông có thể mở ra khả năng giảm sâu nếu Israel không tấn công hạ tầng dầu khí của Iran. Trong trường họp như vậy, các chuyên gia Kilduff và Lipow dự báo giá dầu có thể giảm 5-7 USD/thùng.
“Cho tới tuần trước, tôi vẫn nghĩ giá dầu sẽ giảm về cận dưới của vùng 60 USD/thùng”, nhà sáng lập quỹ Cayler Capital, ông Brent Belote, nhận xét. Ông nói thêm rằng nhu cầu dầu toàn cầu đang yếu trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có đủ năng lực dự trữ để bù đắp bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung dầu nào từ Iran.