July 08, 2023 | 09:17 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tiếp tục xuống dốc vì ám ảnh lãi suất, giá dầu tăng mạnh do nỗi lo cung hụt cầu

Bình Minh -

Sau báo cáo việc làm vừa công bố, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược cao vào khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất một tuần giảm điểm, khi nhà đầu tư không thể rũ bỏ nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7. Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 9 tuần, khi các nhà giao dịch dự báo nguồn cung có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,29%, còn 4.398,95 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,13%, còn 13.660,72 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 187,38 điểm, tương đương giảm 0,55%, còn 33.734,88 điểm.

Cả ba chỉ số cùng có một tuần đi xuống: S&P 500 giảm 1,16%; Nasdaq giảm 0,92%; và Dow Jones giảm 1,96%. Đây là tuần mất điểm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 3.

Áp lực gây ra phiên giảm này đến từ báo cáo việc làm tổng thể tháng 6 của Bộ lao động Mỹ. Theo bản báo cáo mà thị trường thấp thỏm chờ đợi suốt từ đầu tuần, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 209.000 công việc mới trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo số công việc mới là 240.000 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%.

Tuy nhiên, một số phần khác của báo cáo trên, bao gồm tiền lương tăng mạnh hơn dự kiến, tiếp tục đẩy cao mối lo ngại sẵn có của thị trường rằng Fed có thể tìm được lý do để nối lại việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% trong tháng 6 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm từ mức 3,7% của tháng 5 cũng gây lo lắng vì chừng nào tỷ lệ thất nghiệp còn thấp, tiền lương sẽ còn tăng mạnh và cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn gian nan.

“Câu chuyện ngày hôm nay là một bức tranh hỗn độn. Tin tốt là nền kinh tế không suy sụp, mà thay vào đó vẫn đứng vững. Nhưng tin xấu là áp lực tiền lương sẽ còn đặt ra khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất”, chuyên gia Keith Lerner của Truist nói với hãng tin CNBC.

Theo ông Lerner, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Mỹ có thể còn giảm điểm thêm sau khi tăng mạnh trong tháng 6 và quý 2 vừa qua. Điều này có thể dẫn tới tình trạng biến động mạnh mẽ khi thị trường bước vào mùa báo cáo tài chính quý 2.

Sau báo cáo việc làm vừa công bố, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược cao vào khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược ở mức 92% vào một động thái như vậy, tương tự như mức đặt cược trước đó một ngày. Trong cuộc họp hồi tháng 6, Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2023.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,95 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở 78,47 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,06 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, đạt 73,86 USD/thùng.

Đây là mức giá cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 1/5 và của dầu WTI kể từ hôm 24/5. Nỗi lo về sự thiếu cung dầu và lực mua kỹ thuật giúp giá “vàng đen” bứt phá, dù tiếp tục chịu áp lực giảm từ mối lo rằng lãi suất tiếp tục tăng có thể gây suy yếu tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tính cả tuần này, giá hai loại dầu tăng khoảng 5% mỗi loại.

“Thị trường đang mở ra cánh cửa cho một đợt bứt phá mới của giá dầu. Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư bán khống đã đóng trạng thái trong ngày hôm nay, vì trước đó nhiều người đã đặt cược vào sự giảm giá của dầu và bắt đầu cảm thấy sợ rằng sự đặt cược đó sẽ khiến họ thua lỗ”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

“Đợt tăng của giá dầu trong khoảng 1 tuần trở lại đây là khá mạnh và được hậu thuẫn bởi nỗ lực hạn chế sản lượng của Saudi Arabia và Nga”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của công ty Oanda nhận xét.

Đầu tuần này, Saudi Arabia và Nga công bố thêm kế hoạch sản sản lượng, theo đó nâng tổng mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga.

“Việc OPEC+ giảm sản lượng có thể khiến thị trường thắt chặt trong thời gian tới, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung trong nửa sau của năm nay, theo đó hỗ trợ giá dầu”, các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Morningstar nhận xét.

Hỗ trợ giá dầu trong phiên ngày thứ Sáu còn có đồng USD giảm giá xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm gần 0,9%, chốt tuần ở mức 102,3 điểm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate