Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/7), hoàn tất một tuần sụt điểm khi dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn để chảy sang những cổ phiếu nhỏ hơn. Giá dầu thô giảm khoảng 3%, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 do đồng USD tiếp tục hồi mạnh và khả năng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,71%, còn 5.505 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,81%, còn 17.726,94 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 377,49 điểm, tương đương giảm 0,93%, còn 40.287,53 điểm.
Đây là một phiên giảm điểm trên diện rộng nữa của chứng khoán Mỹ, với chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng chốt phiên với mức giảm 0,63%. Tuy nhiên, xu thế dịch chuyển sang những cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, chẳng hạn các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có vẻ vẫn là chủ đề chính của tuần này.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 1,97% và 3,65%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của mỗi chỉ số kể từ tháng 4. Với tuần giảm này, Nasdaq chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, Dow Jones tăng 0,72% và Russell 2000 tăng 1,68%.
“Thị trường đang trải qua một cuộc dịch chuyển lẽ ra đã có từ lâu của dòng tiền. Nhà đầu tư rút vốn khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, vốn dĩ là những cổ phiếu đã tăng giá nhiều, và chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu khác trên thị trường”, Giám đốc đầu tư Glen Smith của công ty GDS Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Sự dịch chuyển này đã mang tới sự can đảm mới cho một số nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Phố Wall, những người trước đây e ngại rằng xu hướng tăng điểm của thị trường đang trở nên phụ thuộc quá mức vào một số ít các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Trong khi đó, niềm lạc quan gia tăng về khả năng Fed sắp giảm lãi suất đang giữ vai trò “cú huých” đối với những cổ phiếu nhỏ hơn và có tính chu kỳ cao hơn.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 92,6% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuần này, có thời điểm mức đặt cược lên tới gần 100%.
Xu thế dịch chuyển khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn là nguyên nhân vì sao Nasdaq đuối nhất trong số các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong tuần này. Tương tự, công nghệ thông tin là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, ghi nhận mức giảm 5,1%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,48 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, chốt ở mức 82,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,69 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, chốt ở mức 80,13 USD/thùng.
Giá dầu tụt nhanh sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn được mong chờ bấy lâu giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine giờ đây đã trong tầm tay. “Tôi tin rằng chúng tôi đã đến rất gần đến chỗ đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đưa các con tin trở về nhà, và tìm ra được hướng đi tốt hơn để xây dựng một nền hòa bình và ổn định lâu dài”, ông Blinken nói.
Cuộc chiến tranh ở Gaza, nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, đã làm gia tăng phần bù rủi ro đối với giá dầu thô do xung đột này đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu.
Nếu các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn, phiến quân Houthi do Iran hậu thuận cũng có thể giảm các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ, trong đó có các tàu chở dầu. Houthi đã tuyên bố rằng việc tấn công tàu chở hàng là cách để nhóm này hậu thuẫn Hamas.
Phiên giảm giá ngày thứ Sáu của dầu còn do áp lực đến từ sự phục hồi của đồng USD. Theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group, số liệu việc làm và sản xuất mạnh hơn dự báo của Mỹ trong tuần này đã đưa đồng USD tăng giá và đặt ra sức ép giảm giá đối với dầu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt tuần ở mức 104,37 điểm, tăng 0,18% trong phiên ngày thứ Sáu và tăng 0,26% cả tuần.