July 19, 2024 | 08:09 GMT+7

Chứng khoán Mỹ bán tháo, giá dầu cầm cự

Bình Minh -

Phiên này chứng kiến cổ phiếu Big Tech một lần nữa bị xả hàng mạnh. Đây là xu thế gần đây ở Phố Wall, do khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/7), khi nhà đầu tư tiếp tục giảm nắm giữ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và chốt lãi những cổ phiếu đã tăng mạnh trong mấy phiên gần đây. Giá dầu thô cố gắng giữ thành quả tăng của phiên trước, trong bối cảnh mối lo về sự giảm tốc của kinh tế Mỹ xung đột với lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp giảm lãi suất.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 533,06 điểm, tương đương giảm 1,29%, còn 40.665,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,78%, còn 5.544,59 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,7%, còn 17.871,22 điểm.

Phiên này chứng kiến cổ phiếu Big Tech một lần nữa bị xả hàng mạnh. Đây là xu thế gần đây ở Phố Wall, do khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9 giúp mở rộng xu hướng tăng ra các nhóm cổ phiếu khác. Cổ phiếu công nghệ bị bán do đã tăng cao và tăng lâu, và nhà đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận ở nhóm này để mua vào những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn hơn.

Sự hưng phấn về lãi suất đang hướng nhiều tới các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu mang tính chu kỳ - những doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc Fed hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Năm, ngay cả những cổ phiếu được mua nhiều những phiên vừa qua cũng bị nhà đầu tư đem ra bán.

Hôm thứ Tư, Nasdaq ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022, đồng thời là phiên đầu tiên kể từ năm 2001 mà Nasdaq giảm quá 2,5% trong khi Dow Jones vẫn tăng. Điều này phản ánh rõ sự dịch chuyển của dòng tiền khỏi cổ phiếu công nghệ sang những cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn.

Ngày thứ Năm, bán tháo lan rộng khắp thị trường, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu chính thuộc S&P 500 đều chốt phiên trong sắc đỏ. Cứ 10 cổ phiếu thành viên Dow Jones thì có 9 cổ phiếu giảm phiên này. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng giảm khoảng 1,9%, sau một thời gian tăng liên tục gần đây.

“Nhà đầu tư đang chốt lời. Tôi hơi e dè một chút khi việc hiện thực hóa lợi nhuận diễn ra chỉ 5 ngày sau một giao dịch, nhưng thực tế này phản ánh độ lớn của sự dịch chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu”, nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của công ty Globalt Investments nhận định.

Dù giảm phiên này, Russell 2000 vẫn tăng 3,5% trong 5 phiên trở lại đây, trong khi Nasdaq giảm khoảng 2,3% trong cùng khoảng thời gian.

“Rõ ràng, việc Fed giảm lãi suất sẽ tốt cho doanh nghiệp nhỏ. Và nhà đầu tư cũng đang chốt lời đối với các cổ phiếu công nghệ vốn đã tăng nhiều trong năm nay”, chiến lược gia Charlie Ripley của công ty Allianz phát biểu.

Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng nhà đầu tư còn bán cổ phiếu vì cho rằng các tin tốt đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu những ngày qua, bao gồm khả năng Fed sắp hạ lãi suất và kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,03 USD/thùng, chốt ở mức 85,11 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,03 USD/thùng, còn 82,82 USD/thùng.

Trước đó, giá của cả hai loại dầu này đều đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Tư.

Phiên ngày thứ Năm, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi khả năng Fed sắp giảm lãi suất. Khả năng này được củng cố sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng mạnh hơn dự báo.

Tuy nhiên, chính sự suy yếu của thị trường việc làm cũng làm gia tăng mối lo rằng nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực - theo chuyên gia John Kilduff của công ty Again Capital. “Thực tế là chúng ta đang có một nền kinh tế chậm lại, có thể kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu”, ông Kilduff nói.

Mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - cũng gây áp lực giảm lên giá dầu. Bế mạc Hội nghị Trung ương 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/7, các nhà lãnh đạo nước này phát tín hiệu duy trì chính sách kinh tế hiện nay, nhưng không đưa ra các chi tiết cụ thể. Điều này khiến nhà đầu tư không còn hy vọng nhiều về việc Bắc Kinh sẽ những biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate