Hai nhà hoạch định chính sách tiền tệ có ảnh hưởng lớn trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/8 bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới. Quan điểm này được đưa ra bất chấp sự phản đối của cựu Tổng thống Donald Trump - người cho rằng việc điều chỉnh lãi suất trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 có thể làm gia tăng cơ hội tái đắc cử cho Tổng thống Joe Biden.
Ông Christopher Waller, một thống đốc Fed, và ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York đều cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ sớm trở nên phù hợp sau các số liệu thống kê gần đây cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang và thị trường việc làm có dấu hiệu suy yếu.
“Dù không tin là chúng tôi đã đạt được mục tiêu cuối cùng, tôi tin là chúng tôi đang tiến gần hơn tới thời điểm mà việc cắt giảm lãi suất chính sách là phù hợp”, ông Waller nói trong một bài phát biểu ở thành phố Kansas, bang Missouri.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Wall Street Journal, ông Williams nói dữ liệu lạm phát trong 3 tháng gần đây nhất “đưa chúng tôi đến gần hơn một xu hướng giảm lạm phát mà chúng tôi muốn có được”.
Fed đã giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5% từ tháng 7 năm ngoái đến nay. Giới đầu tư hiện đang tin rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2024, cụ thể là vào tháng 9 tới, với lượng giảm 0,25 điểm phần trăm. Cơ sở của kỳ vọng này là lạm phát ở Mỹ đang giảm gần hơn tới mục tiêu 2% của Fed.
Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, việc Fed khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
Ông Trump vào hôm thứ Ba tuần này cảnh báo Fed không nên hạ lãi suất trước bầu cử. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ông nói đó là “một việc mà họ biết họ không nên làm”.
Ông Waller và ông Williams nói họ cần có thêm bằng chứng về sự xuống thang của lạm phát trước khi “bật đèn xanh” cho việc giảm lãi suất. Đây cũng là quan điểm mà Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số quan chức khác của Fed đưa ra trong tháng 7 này. Bởi vậy, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 này là rất thấp.
Theo giới phân tích, không phải số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang, mà sự suy yếu của thị trường lao động mới là căn cứ chính để tin rằng Fed sắp giảm lãi suất. Tình trạng thắt chặt của thị trường lao động Mỹ vốn là một nguồn áp lực lạm phát lớn ở nước này trong mấy năm qua, nhưng thị trường lao động gần đây đã có những dấu hiệu suy yếu. Tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, cao nhất kể từ tháng 10/2021.
“Hiện tại, tôi nhận thấy khả năng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đang ở mức cao nhất trong một thời gian dài”, ông Waller phát biểu. Ông nói thêm rằng thị trường lao động đang ở một trạng thái tốt và bày tỏ hy vọng trạng thái này sẽ duy trì.
Còn theo ông Williams, dù bắt đầu cắt giảm lãi suất vào thời điểm nào, Fed cũng sẽ hạ lãi suất với tốc độ từ tốn để cân bằng rủi ro giữa một bên là lạm phát còn cao với một bên là nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh.
“Tôi thực sự cho rằng phía trước có một quyết định mà chúng tôi sẽ đến lúc phải đưa ra, không phải là rút khỏi lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt, mà là giảm lãi suất sao cho giảm bớt sự thắt chặt của chính sách”, ông Williams nói.
Từ nay đến cuộc họp tháng 9 của Fed, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ có thêm nhiều báo cáo kinh tế để đánh giá, gồm 2 báo cáo lạm phát và 2 báo cáo việc làm.
Ông Waller nói ông có thể hình dung ra một đợt cắt giảm lãi suất “trong tương lai không xa” nếu cả hai báo cáo lạm phát đều thuận lợi.
Theo số liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo được Fed sử dụng cho mục tiêu lạm phát 2% - tăng 2,6% trong tháng 5. Số liệu PCE tháng 6 sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu tuần tới.
Nếu lạm phát tăng trở lại - một khả năng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo trong tuần này - Fed có thể sẽ phải trì hoãn việc hạ lãi suất.