November 02, 2024 | 08:40 GMT+7

Chứng khoán Mỹ “xanh” dù báo cáo việc làm gây thất vọng, giá dầu tiếp tục tăng

Điệp Vũ -

Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall không có nhiều phản ứng với số liệu việc làm vì cho rằng số liệu đã bị bóp méo...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (1/11) nhờ cổ phiếu công nghệ được mua mạnh trở lại và nhà đầu tư gạt sang bên mối lo về số liệu việc không đạt kỳ vọng. Giá dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp vì thông tin Israel có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công trả đũa Iran.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 288,73 điểm, tương đương tăng 0,69%, chốt ở 42.052,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,41%, đạt 5.728,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,8%, đạt 18.239,02 điểm.

Amazon là một cổ phiếu đóng góp lớn vào phiên tăng này, với mức tăng 6,2%, nhờ báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy các mảng kinh doanh điện toán đám mây và quảng cáo đã giúp mang lại lợi nhuận vượt kỳ vọng. Cổ phiếu Intel tăng 7,8% nhờ doanh thu tốt hơn dự báo của giới phân tích và triển vọng quý tới mà công ty đưa ra cũng khả quan.

Hai cổ phiếu trên giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư sau khi thị trường nhận được một số báo cáo tài chính gây thất vọng từ các Big Tech trong tuần này.

Chiến lược gia trưởng Rob Williams của công ty Sage Advisory cho rằng cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn vẫn là những cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn đối với xu hướng tăng của thị trường. “Xu hướng tăng đã được mở rộng sang các nhóm cổ phiếu khác trong thời gian qua. Nhưng cổ phiếu công nghệ vẫn đang là một nhân tố rất lớn”, ông Williams phát biểu.

Báo cáo ngày thứ Sáu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ có thêm 12.000 công việc mới trong tháng 10, ít hơn nhiều so với con số dự báo 100.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Đây là số việc làm mới trong 1 tháng ít nhất kể từ tháng 12/2020, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 4,1%, phù hợp với dự báo.

Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall không có nhiều phản ứng với số liệu việc làm vì cho rằng số liệu đã bị bóp méo bởi tháng 10 có nhiều cơn bão lớn và cuộc đình công của công nhân hãng sản xuất máy bay Boeing.

“Báo cáo cho thấy thị trường việc làm đã xấu đi nhiều trong tháng 10 so với tháng 9” - theo Giám đốc đầu tư Clark Bellin của công ty Bellwether Wealth.

“Nhưng đây là một số liệu đã bị chi phối bởi các cơn bão và các cuộc đình công. Bởi vậy, ít có khả năn báo cáo này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi ý định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11”, ông Bellin nói với hãng tin CNBC.

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm khá mạnh trong tuần này, với S&P 500 giảm 1,4%, Nasdaq giảm 1,5% và Dow Jones giảm 0,2%. Nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm điểm này là kết quả kinh doanh gây thất vọng của một số Big Tech gồm Microsoft và Meta Platforms.

Tháng 10 cũng là một khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường, khi Dow Jones ghi nhận mức giảm 1,3%, S&P 500 giảm 1% và Nasdaq trượt 0,5%.

Tuần tới, mức độ biến động của thị trường tài chính Mỹ và thế giới có thể tăng lên do hai sự kiện lớn là cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 và cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 6-7/11.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,29 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở mức 73,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,23 USD/thùng, tương đương tăng 0,33%, chốt ở mức 69,49 USD/thùng.

Sau khi giảm mạnh trong hai phiên đầu tuần, giá dầu đã tăng trong ba phiên liên tiếp của tuần Dù vậy, giá mỗi loại dầu vẫn giảm hơn 3% trong tuần này sau khi tăng 4% trong tuần trước.

Hôm thứ Năm, trang tin Axios của Mỹ dẫn nguồn thạo tin từ Israel cho biết nước này đã thu thập được thông tin tình báo cho thấy Iran đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công Israel từ lãnh thổ Iraq chỉ sau vài ngày nữa. Thông tin này đẩy giá dầu tăng, nhưng thị trường không đến mức lo ngại nhiều về khả năng xảy ra một vụ tấn công lớn.

“Bất kỳ phản ứng nào từ phía Iran có lẽ cũng chỉ ở mức độ kiềm chế, tương tự như cuộc tấn công có giới hạn của Israel nhằm vào Iran hồi tuần trước. Bởi vậy, đó chủ yếu là một sự phô diễn sức mạnh thay vì một hành động mời gọi chiến tranh”, nhà phân tích Ole Hvalbye của công ty SEB Research nhận định.

Iran và Israel đã liên tục có các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” trong bối cảnh xung đột quân sự ở Trung Đông xoay quanh cuộc chiến tranh ở dải Gaza. Các cuộc tấn công của hai bên nhằm vào nhau đến thời điểm này nhìn chung không gây ra những hệ lụy lớn.

Tuy nhiên, mối lo về việc Israel có thể nhằm vào hạ tầng dầu khí của Iran đã làm gia tăng phần bù rủi ro (risk premium) đối với giá dầu, vì Iran là một nước sản xuất và xuất khẩu lớn. Nước này đạt sản lượng khai thác dầu khoảng 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2023. Năm nay, Iran được dự báo sẽ xuất khẩu bình quân khoảng 1,5 triệu thùng đầu mỗi ngày - theo dữ liệu từ các nhà phân tích và Chính phủ Mỹ.

Iran hậu thuẫn một số tổ chức phiến quân đang chống lại Israel, gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate