June 03, 2022 | 07:56 GMT+7

Chứng khoán Mỹ xanh rực, giá dầu tăng vọt dù OPEC+ nâng mức tăng sản lượng

Bình Minh -

“Thị trường đang chờ xem liệu lạm phát có dịu đi và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giãn bớt tiến độ nâng lãi suất"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/6), khi cả ba chỉ số cùng đảo ngược chuỗi 2 phiên giảm điểm trước đó. Giá dầu thô giữ đà tăng dù OPEC+ quyết định đẩy nhanh tốc độ nâng sản lượng khai thác “vàng đen”. Giá Bitcoin cũng đi lên, hồi mốc 30.000 USD.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 435,05 điểm, tương đương tăng 1,3%, đạt 33.248,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,8%, đạt 4.176,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,7%, đạt 12.316,9 điểm.

Với phiên tăng này, thị trường chuyển sang trạng thái tăng cho thời gian từ đầu tuần đến nay. Tính từ đầu tuần, Dow Jones đã tăng 0,1%; S&P 500 tăng 0,5%, và Nasdaq tăng 1,5%.

“Tâm lý bi quan trên thị trường đã bị đẩy cao quá mức cần thiết, và những cảnh báo về lợi nhuận đã được phản ánh gần hết vào giá cổ phiếu. Thị trường rốt cục có thể hồi phục trong mùa hè này cho dù hoạt động kinh tế có chậm lại”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

So với mức đáy của 52 tuần, Dow Jones hiện đã phục hồi 8,5%; S&P 500 tăng 9,6%; và Nasdaq tăng 11,6%.

Phiên ngày thứ Năm tiếp tục chứng kiến mức độ biến động mạnh, khi các chỉ số giằng co giữa giảm và tăng. Có lúc, Dow Jones giảm 300 điểm trong phiên.

“Thị trường đang chờ xem liệu lạm phát có dịu đi và liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giãn bớt tiến độ nâng lãi suất. Đó là lý do vì sao chúng ta chứng kiến sự giằng co này. Đây vẫn đang là một giai đoạn có mức độ bấp bênh lớn”, chiến lược gia Barry Bannister của Stifel nhận định trên CNBC.

Phó chủ tịch Fed Lael Brainard ngày thứ Năm nói rằng khó có khả năng ngân hàng trung ương này sớm có một đợt tạm nghỉ trong chu kỳ tăng lãi suất đang diễn ra. “Hiện tại, rất khó tìm thấy lý do để tạm dừng. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”, bà Brainard nói với CNBC.

Số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất trong tuần này là báo cáo thị trường lao động tháng 5, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Giới phân tích dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có 328.000 công việc mới trong tháng trước, so với con số 428.000 công việc mới trong tháng 4.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,4%, đóng cửa ở mức 116,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,14%, chốt ở 117,61 USD/thùng.

Phiên tăng này diễn ra cho dù cuộc họp của OPEC+ đưa ra mức tăng sản lượng lớn hơn dự báo trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine gây đảo lộn nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga.

Trong cuộc họp sản lượng định kỳ diễn ra vào ngày thứ Năm, OPEC+ nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8. Việc nâng tốc độ tăng sản lượng đồng nghĩa liên minh sẽ sớm hoàn thành việc đảo ngược đợt cắt giảm sản lượng kỷ lục đã tiến hành trong thời gian đại dịch Covid-19.  

Vào tháng 4/2020, sau khi Covid trở thành đại dịch toàn cầu, OPEC+ đã giảm sản lượng tổng cộng gần 10 triệu thùng/ngày để vực dậy giá dầu. Khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, OPEC+ bắt đầu thu hẹp mức giảm sản lượng này. Trong những tháng gần đây, sản lượng của nhóm tăng khoảng 400.000-432.000 thùng/ngày.

Quyết định tăng sản lượng nhanh hơn được OPEC+ đưa ra trong bối cảnh thế giới đương đầu với giá năng lượng leo thang chóng mặt. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, đã kêu gọi OPEC+ bơm nhiều dầu hơn nữa. Nhà Trắng ngày thứ Năm đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh quyết định của OPEC+.

Dù hạn ngạch sản lượng tăng lên, các nước thành viên OPEC+ thực ra đang gặp khó khăn trong việc khai thác đủ mức hạn ngạch được phân bổ. Ngoài ra, mức tăng sản lượng của OPEC+ chưa đủ để bù đắp cho 1 triệu thùng dầu Nga có thể bị gián đoạn nếu phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tuần này đã nhất trí các biện pháp nhằm mục đích đến cuối năm cắt giảm 90% nhập khẩu dầu từ Nga.

Hồi tháng 3, giá dầu Brent có lúc lên gần 130 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu sau đó có hạ nhiệt nhưng giữ vững trên 100 USD/thùng. Giá dầu cao là một nguyên nhân khiến lạm phát leo thang trên toàn cầu, đặt ra nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào tình trạng stagflation - lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng èo uột. Tuần trước, giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ lập kỷ lục mới 4,71 USD/gallon.

Sau khi giảm khá mạnh trong phiên trước, giá Bitcoin đã hồi phục và lấy lại mốc tâm lý quan trọng 30.000 USD. Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 20.462 USD, tăng 2,4% so với cách đó 24 tiếng.

Dù đã giảm hơn một nửa so với mức kỷ lục mọi thời đại gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11 năm ngoái, giá Bitcoin gần đây tương đối ổn định quanh ngưỡng 30.000 USD.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate